Bà Hillary Clinton sẽ tái thiết Syria bằng vũ lực?
Ông Jeremy Bash nói: “Chính quyền Clinton sẽ không lùi bước trong việc làm rõ với thế giới về chế độ Assad”. Ông này cáo buộc: “Đó là chế độ vi phạm quyền con người, vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng vũ khí hóa học để chống lại chính người dân của mình”.
Nhận định trên được xem là hợp lý bởi ngay từ đầu, bà Clinton đã ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đã mâu thuẫn với Tổng thống Barack Obama về việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập cũng như thiết lập vùng cấm bay ở Syria. Trong khi Nhà Trắng chỉ đang tập trung vào việc đẩy lùi IS thì bà Clinton và các cố vấn của mình nhấn mạnh rằng, họ không đồng ý với chiến lược đơn thuần đó và việc loại bỏ ông Assad là điều cần thiết nhất, không cần bàn cãi.
Tờ The American Conservative (Mỹ) cũng khẳng định, bộ máy an ninh của bà Hillary Clinton đã sẵn sàng đưa Mỹ can thiệp mạnh mẽ vào Syria một khi bà trở thành Tổng thống Mỹ. Điều đó, thể hiện rất rõ không chỉ qua lập trường cứng rắn từ trước tới nay của bà mà còn qua nhiều cố vấn khác.
Bà Hillary Clinton sẽ dùng vũ lực để thiết lập lại Syria? |
Ngoài ông Bash, nhiều người đại diện hay cố vấn khác của bà Hillary Clinton cũng thường xuyên bày tỏ thông điệp rằng, bà chắc chắn sẽ có lập trường cứng rắn hơn ở Syria. Tất cả mọi người trong “quỹ đạo” của bà Clinton đều kêu gọi mở rộng sự can thiệp của Mỹ ở Syria bao gồm cả nhân sự và hỏa lực, thậm chí còn muốn đối đầu với Nga. Họ cho rằng, Syria sẽ là ưu tiên hàng đầu ngay khi bà được bầu làm Tổng thống Mỹ.
Trong nhiều tuần qua, một số quan chức an ninh quốc gia cấp cao có tư tưởng cứng rắn, bao gồm cả những người đã rời chính phủ, đều bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Hillary Clinton. Từ ông Michael Vickers, một cựu quan chức tình báo nổi tiếng nhất cho việc thúc đẩy hoạt động tìm và diệt trong cuộc chiến chống khủng bố, đến Tướng John Allen và cựu giám đốc Cục tình báo Trung ương (CIA) Mike Morrell.
Hồi tháng Sáu, bà Michele Flournoy, người được cho là lựa chọn của bà Hillary Clinton cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã hối thúc quân đội Mỹ triển khai thêm binh sĩ tới Syria nhằm hỗ trợ lật đổ Chính quyền Tổng thống Assad.
Bà Flournoy nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của Nga tại Syria, theo yêu cầu từ chính phủ Syria, không hỗ trợ cho các mục đích mà Mỹ mong muốn đạt được tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad |
Bà Flournoy từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề chính sách trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama. Bà hiện là giám đốc của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS). CNAS được thành lập từ năm 2008 với dự đoán bà Clinton sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm đó.
Cũng trong tháng đó, bà này đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu của CNAS đưa ra báo cáo rằng: “Các chỉ huy quân sự trên mặt đất phải được phép tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp ở Iraq và Syria nhằm làm suy giảm khả năng của IS. Mỹ cũng cần cung cấp các nguồn lực khác để tiến hành và hỗ trợ cho các hoạt động này”. Theo bà, dù việc này không cần phải có sự thay đổi cơ bản trong chiến lược hiện tại của Mỹ nhưng sẽ cần một số điều chỉnh. Bà nhấn mạnh: “Quan trọng hơn, điều đó sẽ gửi thông điệp rằng, Mỹ sẵn sàng hành động quân sự trong lãnh thổ Syria”.
Bà Flournoy đề xuất thành lập các vùng "cấm đánh bom" để các nhóm đối lập có thể hoạt động an toàn. Đây cũng là lập trường mà bà Clinton đã từng phát biểu trong chiến dịch của mình.
Theo The American Conservative, chiến lược của CNAS còn rõ ràng hơn nữa. Theo đó, Mỹ sẽ vừa duy trì các hoạt động liên minh vừa bổ sung thêm lực lượng tới Syria. Báo cáo khẳng định ngay từ đầu rằng, lực lượng được triển khai không phải hay không chỉ là "lực lượng thông thường”. Chiến lược mới sẽ yêu cầu các lực lượng phản ứng nhanh, các lực lượng hậu cần, tình báo, các căn cứu quân sự, hỗ trợ hỏa lực, hỗ trợ y tế và không quân, ngoài ra còn có thêm các cố vấn.
Báo cáo cũng kêu gọi mở rộng chiến dịch thu thập thông tin tình báo, các cuộc không kích, các cuộc tấn công trực tiếp để làm suy giảm hơn nữa khả năng của IS. Nếu quân chính phủ Syria vi phạm các “vùng cấm đánh bom”, Mỹ sẽ trả đũa khi cần thiết. CNAS cũng chấp nhận khả năng leo thang căng thẳng với Nga.
Báo cáo viết: "Thiết lập một vùng cấm đánh bom sẽ có nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga, nhưng mối lo ngại này có thể xử lý được nếu không bên bào muốn xung đột trực tiếp với bên kia và Mỹ cần phải gây một số áp lực quân sự nếu muốn thay đổi các tính toán của Nga”.
Chris Coyne, một chuyên gia về can thiệp quân sự tại Đại học George Mason (Mỹ) cho rằng, quan điểm từ các cố vấn và của chính bản thân bà Hillary Clinton đã cho thấy chính sách đối ngoại ở Syria của bà Hillary Clinton một khi bà trở thành Tổng thống Mỹ. Ông nói: "Đó là chính sách chủ động sử dụng quân đội để giải quyết một loạt các vấn đề trên thế giới”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The American Conservative, một tạp chí chuyên phân tích về chính trị có trụ sở tại Washington, Mỹ.