Bà Cốc Khai Lai có thể thoát án tử hình?
Bà Cốc Khai Lai có thể thoát án tử hình?
Bà Cốc Khai Lai bị tuyên án tử hình
Tình tiết phiên tòa xét xử vợ Bạc Hy Lai
Trung Quốc "kiểm soát" thông tin của phiên tòa lịch sử?
An ninh được thắt chặt bên ngoài phiên tòa xét xử bà Cốc Khai Lai. |
Phiên tòa tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy cũng đưa ra mức án 9 năm tù giam cho người giúp việc gia đình ông Bạc do đã giúp bà Cốc sát hại doanh nhân Neil Heywood.
Ngoài ra, 4 vị quan chức cảnh sát bị buộc tội che giấu vụ giết người này cũng bị tuyên án từ 5 đến 11 năm tù giam.
Theo hãng tin AP, bản án của phiên tòa đã khép lại một chương của vụ bê bối chính trị lớn nhất của Trung Quốc trong vòng 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi còn bỏ về số phận của chồng bà Cốc, cựu chính trị gia Bạc Hy Lai.
He Zhengsheng, luật sư đại diện cho gia đình Heywood và có tham dự phiên tuyên án, cho biết ông phải thảo luận bản án này với gia đình doanh nhân người Anh và không rõ liệu gia đình Heywood có kháng cáo hay không.
Còn phía bị cáo, bà Cốc Khai Lai và người giúp việc, tuyên bố không kháng án.
Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc quay cảnh trong phiên tòa bà Cốc trong chiếc áo khoác trắng và quần đen đứng phía sau song gỗ tại tòa.
“Đây là bản án công bằng. Nó thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với luật pháp, sự thật và cuộc sống”, bà phát biểu với thái độ bình thản và nhấn từng câu chữ.
Tang Yigan, một quan chức của tòa án nhân dân thành phố Hợp Phì, cho biết tòa coi lời khai, lời thú tội, thái độ ăn năn và tình trạng tâm lý của bà Cốc là những yếu tố giúp làm giảm nhẹ tội cho bà. Tuy nhiên, phiên tòa bác bỏ cáo buộc của bà rằng những lời đe dọa của ông Heywood là nguyên nhân dẫn đến hành động sát hại ông của bà Cốc và tòa tuyên bố không có bằng chứng gì cho thấy nạn nhân muốn lợi dụng vị thế của mình.
Trong phiên tòa xét xử bà Cốc, tòa được nghe giải thích rằng bà chịu chứng mất ngủ, lo lắng, chán nản và chứng hoang tưởng kinh niên và rằng bà lệ thuộc vào thuốc men.Tuy nhiên, tòa phản bác lại rằng bà Cốc lại có thể lập nên một kế hoạch giết người rất tinh vi.
Hôm nay, an ninh được thắt chặt bên ngoài phiên tòa với các nhân viên cảnh sát đứng canh và có ít nhất 6 chiếc xe tải cảnh sát đậu tại mỗi góc tòa nhà.
Các nhà phân tích chính trị và luật pháp cho rằng, phán quyết của tòa án trong vụ xử bà Cốc là rất nhạy cảm về chính trị, và có thể giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định mức án tù giam kéo dài chứ không tử hình vì lo sợ rằng một bản án quá nghiêm khắc có thể sẽ khiến dư luận bức xúc và bà Cốc sẽ như “vật thế mạng” cho những hành vi sai trái của chồng bà.
Cheng Li, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington cho rằng bản án này là công bằng.
“Cảm nhận của tôi là đa số dư luận Trung Quốc, trong đó có giới luật gia chuyên nghiệp, đều cho rằng bản án này là thích đáng”, ông Li nói.
Chuyên gia Li cho rằng bản án dành cho bà Cốc khiến dư luận kì vọng ông Bạc sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
“Nếu trong mấy tháng tới mà ông Bạc không bị đưa vào xét xử về mặt luật pháp thì bà Cốc sẽ chắc chắn được nhìn nhận là “vật thế mạng”, ông Li bình luận.
Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh đã ra tuyên bố hoan nghênh việc Trung Quốc xét xử những người chịu trách nhiệm đối với cái chết của ông Heywood. Bản tuyên bố cho biết nước Anh đã gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng nước này “muốn các bản tuyên án trong phiên tòa xét xử tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và tòa sẽ không áp dụng án tử hình”.
Các chuyên gia cho rằng bà Cốc có thể sẽ thoát án tử hình. |
Các luật sư và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng yếu tố chính trị đóng vai trò chính đối với bản tuyên án.
Luật sư Pu Zhiqiang tại Bắc Kinh cho rằng bản án đã phớt lờ tính nghiêm minh của pháp luật mà theo đó đáng lẽ bà Cốc sẽ chắc chắn bị tử hình sau khi thừa nhận giết người có chủ ý như vậy.
Giáo sư He Weifang của luật trường Đại học Bắc Kinh cho rằng rõ ràng là những toan tính chính trị đứng đằng sau bản án khoan dung như vậy dành cho bà Cốc.
“Nếu là người bình thường phạm tội giết một người nào đó, chưa nói đến là giết người nước ngoài, thì kẻ phạm tội sẽ bị tuyên án tử hình và sẽ thi hành án ngay”, giáo sư He nói.
Ông Bạc không bị triệu tập đến phiên tòa xét xử bà Cốc với tư cách là nhân chứng và bản tuyên án cũng không đưa ra bằng chứng nào đề cập đến ông. Theo chuyên gia Dali Yang của Trung tâm Đại học Chicago tại Bắc Kinh cho rằng các cáo buộc đối với bà Cốc và người giúp việc của bà cũng tránh đả động đến bất kỳ hành vi tham nhũng hay lạm dụng chức quyền để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Họ rất nóng ruột muốn kết thúc phiên tòa để họ đi tiếp”, ông Yang nhận xét.
Lê Dung