Bà bầu cần chú ý gì ngày Tết?
Ảnh minh họa. |
Chị Trương Thị Oanh – 23 tuổi, Hà Nội mang thai 15 tuần chia sẻ năm nay là năm đầu tiên chị về quê chồng ăn Tết nên rất háo hức. Tuy nhiên, chị Oanh lại đang mang thai, việc đi lại di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An cũng là một thách thức với chị Oanh.
Để chuẩn bị hành trang về Tết, chị Oanh đi khám thai đầu tiên. Tuy nhiên, khi khám thai bác sĩ lại cho biết chị Oanh bị bánh nhau bám thấp và được khuyến cáo ít di chuyển, vận động vì có thể làm bong bánh nhau.
Nghe bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị Oanh buồn vì năm đầu tiên kết hôn ai cũng háo hức có tết ở bên gia đình nội ngoại. Cuối cùng, chị Oanh đành chọn về quê chị ở Hừng Yên còn chồng chị về quê ăn Tết một mình. Chị Oanh cũng thấy mình may mắn vì nếu không đi khám trước mà cứ yên tâm di chuyển về quê đi lại nhiều khi ra tàu, ra ga dễ gây nguy hiểm cho thai nhi.
Chị Nguyễn Hải Yến – Gia Lâm, Hà Nội ân hận vì Tết năm ngoái vợ chồng chị về quê ăn Tết dù lúc đó chị đang mang thai được 9 tuần. Chị Yên nghĩ rằng thai nhỏ nên vô tư đi lại. Nhưng về quê tới mùng 5 Tết, chị Yến bỗng dưng thấy ra huyết. Khi đi khám thai thì các phòng khám ở quê chưa mở. Chị Yến phải lên bệnh viện tỉnh cách nhà 35 km để siêu âm.
Bác sĩ cho biết chị đã bị lưu thai. Điều này khiến vợ chồng chị Yến vô cùng ân hận. Chị Yến kể cưới nhau 5,6 tháng mong mỏi mới có tin vui nhưng không ngờ Tết nhất đi lại nhiều đã khiến chị bị lưu thai.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết không có bất kì một khuyến cáo chuyên môn nào về tuần tuổi thai cần hạn chế thai phụ di chuyển đi về quê. Thai phụ có thể đi bất cứ lúc nào trong thai kỳ nếu như điều kiện sức khỏe cho phép.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu, việc di chuyển lâu có thể làm thai phụ nghén nặng hơn, 3 tháng giữa thì có thể di chuyển thoải mái an toàn, 3 tháng cuối thì không nên đi những địa điểm phải di chuyển lâu.
Bác sĩ Thắm khuyến cáo: Khi di chuyển bằng xe trong thời gian trên 5 giờ, thai phụ nên chọn xe giường nằm thay vì ghế ngồi và nên sử dụng với dự phòng huyết khối tĩnh mạch để tránh bị tắc huyết khối chân. Tóm lại, thai phụ nên cân nhắc tình trạng sức khỏe bản thân và nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi quyết định đi về quê.
Khi có thai phụ nữ thường thiếu oxy nên lúc nào cũng tránh chỗ đông người. Khi đi xe nên đi các loại xe thoáng, có thể đi máy bay, đi tàu.
Chị em phụ nữ cần giữ ấm cơ thể để tránh cảm lạnh. Khi có triệu chứng bất thường như đau bụng, ra huyết cần đến bác sĩ khám ngay.
Khi mang thai, thai phụ nên chú ý thực phẩm tốt. Ba tháng đầu thai phụ thường ăn uống kém hơn do nghén nên thai phụ cần đặc biệt chú ý.
Ngoài ra, bác sĩ Thắm nhấn mạnh, bà bầu chỉ có nhu cầu protein, khoáng chất tăng và không cần chất ngọt vì thế bà bầu nên kiêng ngọt như bánh kẹo, các loại hoa quả ngọt, nước ngọt…tránh làm tăng đường huyết.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt. Ngoài ra, trong ba tháng đầu cũng không cần áp lực phải tăng cân nên thai phụ không cần lo lắng tới cân nặng trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Ngày Tết, cần chú ý giữ sức khỏe, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, rubella…