Áp lực khiến trẻ nhỏ ăn uống vô độ, nguy cơ dậy thì sớm
Cho con tới khám tại bệnh viện, vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệu (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết khoảng vài tháng trở lại đây chị thấy con có xu hướng ăn uống nhiều và cân tăng nhanh không kiểm soát. Bé mới 9 tuổi nhưng đã tăng tới 49 kg trong khi trước đó cô bé được xếp vào diện còi cọc.
Trước khi dịch bệnh con học online nên không áp lực nhiều nhưng từ khi đi học chính thức con “sợ” đi học nên lúc nào cũng căng thẳng. Đi học về, bé đòi ăn đủ thứ bánh kẹo, đồ ngọt. Mỗi bữa cô bé ăn tới 3 bát cơm. Vợ chồng chị Diệu sợ con tăng cân nhanh sẽ dậy thì sớm vì ngực của bé đã có dấu hiệu phát triển.
TS BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết trẻ em và trẻ vị thành niên thường phải trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên, có một số trẻ lại mắc chứng ăn quá độ có thể là dấu hiệu của một vấn đề ăn uống, như ăn do cảm xúc, hoặc rối loạn ăn uống như rối loạn ăn vô độ. Trẻ ăn theo cảm xúc ăn để tránh buồn chán chứ không phải đói. Vì vậy, cha mẹ cần quan sát trẻ nếu thấy trẻ ăn uống như vậy.
Nếu con áp lực học hành quá lớn hoặc áp lực nào đó, cha mẹ nên trò chuyện với con, giải toả căng thẳng áp lực cho con và tư vấn cho con ăn như vậy có thể dẫn tới béo phì. Nhiều trẻ đã ý thức được, không thích béo phì nhưng trẻ lại chưa có kiến thức về dinh dưỡng. Cha mẹ có thể cho con tới gặp bác sĩ để được tư vấn.
TS. BS. Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng BV Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết trẻ nhỏ cũng giống người lớn khi mệt mỏi hay áp lực nhiều quá sẽ tìm tới các loại thực phẩm nào giàu đường như nước ngọt, bánh ngọt, các loại đồ ngọt khác, các thực phẩm mát mát để giải toả căng thẳng, stress. Trẻ căng thẳng áp lực học hành sẽ có xu hướng dùng đường nhiều hơn trẻ bình thường.
Ăn nhiều đường, trẻ có thể bị béo phì. Trong khi đó béo phì là yếu tố đã được khẳng định gây dậy thì sớm. Vì vậy, trẻ ăn uống không kiểm soát dễ rơi vào vòng xoáy áp lực, béo phì và dậy thì sớm.
TS Hậu cho rằng tốt nhất là hạn chế trẻ sử dụng các loại đồ ăn, đồ uống giàu calo rỗng là thực phẩm nhiều chất bột đường, chất béo nhưng lại không có vitamin, khoáng chất. Những thực phẩm này gây tăng cân ở trẻ rất nhanh, gây tăng tế bào mỡ.
Để trẻ tăng trưởng tốt phải có đầy đủ các chất dinh dưỡng như chất bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất, chất xơ và các vitamin cần thiết. Nếu ăn lệch một nhóm chất nào đều gây thiếu chất, trẻ sẽ không tăng trưởng đều.
Ở tuổi teen, trẻ còn tự quyết định ăn gì. Trẻ chọn thức ăn như thế nào theo chúng thích, theo bạn bè, hợp với tuổi cũng dễ gây béo phì. Có nhiều trẻ dành tiền tiêu vặt chỉ để uống trà sữa.
TS Hậu cho biết trong gia đình, tốt nhất cha mẹ cũng nên hạn chế ăn đồ ngọt, làm gương cho con. Nếu cha mẹ hạn chế ăn vặt, đồ ngọt thì trẻ cũng ít ăn hơn và ít đối diện với béo phì hơn.
Khi cha mẹ dạy và khuyến khích những thói quen ăn uống lành mạnh cho con là bạn đã cung cấp cho con những công cụ quan trọng để có một cuộc sống khỏe mạnh. Sự chỉ dẫn của cha mẹ là rất quan trọng ngay cả đối với trẻ vị thành niên khi chúng đã biết tự chuẩn bị bữa ăn, lựa chọn đồ ăn vặt và tự lập kế hoạch cho các hoạt động của riêng mình. Nên chọn các thực phẩm cung cấp thật nhiều protein ít béo, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt trong các bữa ăn. – BS Hậu khuyến cáo.
Khánh Chi