Áp dụng nhiều quy định mới liên quan phí, lệ phí từ 1-1-2017
Trân trọng giới thiệu một số nội dung quan trọng của các luật này:
Lãi suất cho vay theo thỏa thuận không quá 20%
Bộ luật dân sự 2015 có điểm mới nổi bật nhất là “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật”.
Quy định tiến bộ này nhằm xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết mọi tranh chấp trong nhân dân, góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội.
Trước đây, những tranh chấp về việc bốc mộ, chăm sóc mồ mả hoặc kiện đòi giấy tờ hành chính như sổ hộ khẩu... tòa án không thụ lý giải quyết vì cho rằng chưa có điều luật quy định.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Bộ luật dân sự mới quy định mức trần lãi suất cho vay giữa các cá nhân với nhau là 20%/năm.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo điều 468 bộ luật này, lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn như đã nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Bộ luật dân sự hiện hành (Bộ luật dân sự 2005) quy định lãi suất vay giữa các cá nhân do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Nghiêm cấm thu phí tự đặt
Luật phí và lệ phí 2015 nghiêm cấm “cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí”.
Trong danh mục phí và lệ phí được phép thu có phí công chứng, chứng thực, phí thi hành án dân sự, phí sử dụng thông tin (như: phí cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp; phí xác nhận có quốc tịch VN, phí xác nhận là người gốc VN; phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch...).
Báo chí không được tự ý quy kết tội danh
Theo Luật báo chí 2016, các hành vi mà báo chí bị nghiêm cấm là: thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Trong việc trả lời báo chí, điều 39 Luật báo chí 2016 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí”.
Ngoài ra, “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí”.
Theo Tuổi Trẻ