Anh “Tùng sứt” - người vớt xác chết trên sông Hồng
Cuộc đời lang bạt và biệt danh Tùng sứt
Đó là anh Nguyễn Khánh Tùng (SN 1966), sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của huyện Nam Trực, Nam Định. Bố mẹ mất sớm, năm 1996 anh Tùng lên Hà Nội làm nghề bốc vác mưu sinh ở ga Hà Nội. Hàng ngày bất kể giờ giấc nào cứ hàng về ga là anh lại đi làm. Khi không có việc anh ngả lưng ngay vỉa hè gần ga chợp mắt.
Sau 4 năm ngủ ngoài đường, anh được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội số 4 đặt trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội. Trong 2 năm ở trung tâm, anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều mảnh đời, nhiều số phận, thấu hiểu nhiều cảnh đời khốn khổ không người thân đến khi chết cũng không một ai bên cạnh. Điều đó đã thôi thúc anh làm cái việc “phục vụ xác chết” trong suốt những năm ở trong trung tâm. Hễ cứ có bất kỳ cụ nào ra đi, anh lại làm công việc chôn cất cụ đàng hoàng.
Ở trong trung tâm được 2 năm, anh được đưa về hòa nhập cộng đồng. Anh Tùng lại trở về Hà Nội làm nghề bốc vác, đẩy hàng, ai thuê gì làm nấy ở chợ đầu mối Long Biên.
Anh Nguyễn Khánh Tùng - biệt danh Tùng sứt |
Ban đêm đi làm ở chợ Long Biên, ban ngày chuyển về sống ở dưới thuyền thuộc xóm bãi giữa sông Hồng. Được một thời gian, đến năm 2010 anh chuyển về xóm trọ Long Biên sống cho đến bây giờ.
Hỏi về biệt danh của mình, anh Tùng chỉ cười đùa: “Nếu ở phía bên kia sông Hồng có ông Được đen làm nghề vớt xác, cứu người thì phía bên này sông có tôi – Tùng sứt”.
Cơ duyên đến với công việc vớt xác
Kể về mối duyên nợ với nghề vớt xác cứu người của mình, anh Tùng tâm sự: “Những người xấu số đó thường là người có điều gì khuất tất trong lòng nên đã chọn cách gieo mình xuống dòng nước như vậy. Khi tôi làm công việc này tôi chỉ nghĩ rằng mình làm việc để đức cho chính bản thân mình và tích đức cho con cháu về sau chứ không đòi hỏi gì. Cháu nhà tôi, tính đến nay chưa mất đến 200 nghìn tiền thuốc”.
Kể về động lực khiến anh dấn thân với nghề vớt xác người chết, anh Tùng cho biết.
Hôm đó, là một ngày cuối tháng 12/2010, trời lạnh căm căm. Lúc đó khoảng 22 giờ anh chuẩn bị đi kéo xe đẩy ngoài chợ thì nghe thấy những tiếng nổ lớn, mở cửa nhìn theo hướng bờ sông thì thấy một chiếc thuyền đang bốc cháy nghi ngút, người dân hô hoán có người chết cháy.
“Tôi vội vàng bỏ đồ đạc lại, lấy vội chiếc thuyền ra khu vực đang có đám cháy. Khi đến nơi, do ngọn lửa cháy rất lớn nên mọi người chưa ai dám xuống. Tôi ngụp lặn dưới dòng nước tìm kiếm rồi bới trong đám bèo, đám lau sậy ra thì thấy thi thể hai bà cháu đã cháy đen”.
Rít điếu thuốc lào, anh trải lòng: “Đứng trước cảnh người từng sống chung với mình gặp nạn như có một cái gì đó vô hình thôi thúc tâm trí tôi lao vào ngọn lửa đang cháy để cứu. Cũng từ đó, tôi thường xuyên giúp các chú công an vớt xác người trôi dạt trên sông Hồng”.
Dòng sông Hồng tưởng chừng như hiền hòa này hàng năm cướp đi sinh mạng của rất nhiều người |
Tính đến nay, anh Tùng theo nghề này được 4 năm. Trong 4 năm đó, anh từng vớt xác rất nhiều người, trong đó có lẽ ấn tượng nhất đối với anh là lần vớt xác hai mẹ con người dân tộc.
“Hôm đó, tôi đang ăn dở bát cơm tối thì như mọi lần, bác Bình tổ phó lại chạy đến gọi tôi đi phối hợp với cơ quan công an vớt xác người”, anh Tùng kể lại.
Vị trí xác nằm ở ụ cầu thứ 5, tính từ bên phía phường Phúc Xá. Đó là xác một người phụ nữ khoảng 35 tuổi mặc quần áo dân tộc, địu sau lưng là một đứa trẻ tầm 3 đến 4 tuổi.
Đọc thêm: Những chuyện tử tế hàng ngày
“Do xác đã trương và ở dạng nửa nổi nửa chìm, người mẹ địu đằng sau là một người con nên công việc vớt xác gặp rất nhiều khó khăn. Cứ đưa được đầu lên thì toàn bộ phần thân lại trườn xuống nước. Tôi đành lặn xuống, lấy dây buộc quanh người hai mẹ con rồi nhẹ nhàng kéo vào sát bờ. Sau đó mượn bạt của ông chủ xóm trọ đặt hai mẹ con rồi từ từ đưa lên bờ giao lại cho phía cơ quan chức năng. Khi cơ quan khám nghiệm xong, tôi khâm niệm cẩn thận rồi đem đi chôn cất với mong muốn linh hồn người chết sớm siêu thoát”.
Xong việc, anh lại trở về với công việc thường ngày làm phụ hồ, sửa nhà, tối đến đi xe đẩy. Nhiều người thán phục rồi đặt cho anh cái biệt danh “Tùng anh hùng” nhưng anh Tùng chỉ cười cười rồi bảo: “Tôi là Tùng sứt, tên sứt là do tôi bị gẫy một chiếc răng mà ra chứ không có vấn đề gì. Còn công việc vớt xác là tôi tự nguyện với mong muốn người nằm đó được yên nghỉ”.
Nói về trường hợp của anh Nguyễn Khánh Tùng, ông Trịnh Xuân Liên – Trưởng Ban thanh tra dân phường Phúc Xá cho biết: "Gia đình anh Tùng sống ở xóm trọ Long Biên. Hai vợ chồng làm nghề lao động, vợ đi nhặt phế liệu, chồng đi xe đẩy. Hiện nay gia đình anh có một cháu nhỏ sinh năm 2012. Từ lâu anh Tùng luôn hăng hái tham gia cùng các cơ quan chức năng vớt xác người trôi dưới sông Hồng. Người dân ở đây đánh giá anh là một người hiền lành, chăm chỉ và rất nhiệt tình".