Ăn uống ngày Tết như thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đặc biệt có những người mắc các bệnh mãn tính dịp Tết Nguyên đán nếu "thả cửa" chút có thể lãnh hậu quả nghiêm trọng.
Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, trong số thực phẩm mua về, nên cân đối những nhóm thực phẩm, không nên mua quá nhiều thịt, cá, những thực phẩm nhiều chất đạm, chất béo, mà cần cân bằng, và chú ý không được quên rau xanh, hoa quả.
Đặc biệt, những thức ăn, thức uống có nhiều đường như bánh kẹo, mứt, nước ngọt… mọi người nên ăn vừa phải, hạn chế, những loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí, hoa quả sấy khô, mứt sấy khô cũng cần hạn chế. Mọi người nên ăn hoa quả tươi, sẽ tốt hơn là hoa quả khô, thực phẩm sấy khô chỉ tiện cho việc tiếp khách trong ngày Tết, chứ ăn nhiều hoa quả sấy cũng không tốt cho sức khỏe.
Một điều nữa mọi người cần lưu ý khi ăn uống trong dịp Tết, không nên ăn "no dồn, đói góp", nên chia các bữa ăn ra gần giống như bình thường. Không để bữa ăn cách quá xa nhau, cũng không nên ăn nhiều quá vào một lúc bởi như thế sẽ ảnh hưởng đến tình trạng tiêu hóa cũng như là sức khỏe trong dịp Tết".
Ngoài ra, người già và trẻ em là hai đối tượng trong gia đình rất cần có chế độ ăn uống hợp lý trong ngày Tết. Đối với người già, nguy cơ mắc các loại bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng rất cao như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu… nên cần phải tuân thủ khẩu phần ăn thường ngày. Những người bị tiểu đường cũng cần phải hạn chế đồ ngọt, đồ béo và hạn chế tối đa rượu, bia.
Người già không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo như giò, chân giò… bởi vì hệ tiêu hóa của người già rất kém dễ bị đầy bụng và rối loạn tiêu hóa.
Đối với trẻ em, trong những ngày nghỉ Tết, cha mẹ dù có bận cũng nên nấu những món ăn hợp với lứa tuổi của các cháu.