Ăn thiếu vitamin B3, người đàn ông mắc bệnh hiếm gặp
Theo BS Nguyễn Thị Minh Thu, Pellagra là bệnh hiếm gặp, có thể liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, chế độ ăn uống không đầy đủ, gây ra hiện tượng thiếu những vitamin cần thiết, ở đây là vitamin B3.
Thiếu vitamin B3, người đàn ông mắc bệnh hiếm gặp |
Chỉ vì chế độ ăn thiếu vitamin B3 kéo dài, ông N.V. T (63 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội) đã phải nhập viện trong tình trạng toàn thân lở loét, chảy dịch, bội nhiễm... Ông được chẩn đoán mắc bệnh Pellagra do thiếu vi chất niacin hay còn được gọi là vitamin B3 hoặc vitamin PP. Ông có tiền sử ốm yếu đã hơn 10 năm nay, không còn sức lao động, vợ làm ruộng và được 4 người con công việc không ổn định.
Th.BS Nguyễn Thị Minh Thu, Phó khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện từ ngày 13/5 trong tình trạng rất nặng, tổn thương da thấy rõ ở vùng da hở như mặt, tay. Những tổn thương này có bội nhiễm, chảy dịch rất nhiều, trên cơ địa bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Đặc biệt thể trạng bệnh nhân gầy gò, ốm yếu, cân nặng chưa được 40kg với nhiều bệnh kèm theo như rối loạn tiêu hóa, trí nhớ giảm, sa sút trí tuệ.
Được biết trước khi đến BV Da liễu, trên người bệnh nhân xuất hiện nhiều vết trợt loét trên tay, chân, đau nhiều kèm loét miệng, ăn uống khó khăn. Bệnh nhân đã điều trị tại nhiều nơi nhưng bệnh không ổn định.
Khi đến BV Da liễu Trung ương, tình trạng đã ngày càng xấu, tiên lượng nặng nề với những cơn sốt kéo dài, các vết trợt loét đã lan ra toàn thân, nhiễm trùng nặng, albumin giảm.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt (điều trị kháng sinh, nâng cao thể trạng, thay băng hằng ngày) theo dõi sát sao vì sợ có tình trạng bội nhiễm dễ dẫn đến nhiễm khuẩn vào trong máu. Đến nay, sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn, tổn thương da khô, không xuất hiện tổn thương mới.
Theo BS Thu, Pellagra là bệnh hiếm gặp, có thể liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, chế độ ăn uống không đầy đủ, gây ra hiện tượng thiếu những vitamin cần thiết, ở đây là vitamin B3.
Ngoài ra, do cơ địa bệnh nhân rất gày còm làm cho tình trạng tổn thương da càng nặng hơn. Vì thế, ngoài điều trị nguyên nhân, bổ sung vitamin thiếu, bệnh nhân còn được điều trị nâng cao thể trạng kết hợp điều trị triệu chứng- tình trạng nhiễm khuẩn, chăm sóc vết thương.
“Tình trạng thiếu vitamin này không chỉ biểu hiện ngoài da mà còn ảnh hưởng cơ quan khác như tổn thương tiêu hóa, rối loạn tâm thần, tuỳ mức độ biến chứng trên từng bệnh nhân. Với tình trạng nặng như bệnh nhân trên nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn huyết, có thể nguy hiểm đến tính mạng”, BS Thu nói.
Theo bác sĩ, nếu cứ để tổn thương lâu dài như vậy, bệnh sẽ ảnh hưởng đến cơ quan khác, biến chứng về tiêu hóa, tâm thần có thể rất nặng nề. Do đó, người dân cần nhận thấy dấu hiệu khi cơ thể thiếu Vitamin B3, sẽ có các triệu chứng sau: Viêm da, nhất là những phần tiếp xúc với không khí và ánh sáng bị đỏ sẫm, khiến cho da bị thâm, nhiễm phù, bóc vảy, khô và thô ráp. Rối loạn tiêu hóa: viêm niêm mạc miệng, viêm niêm mạc đường tiêu hóa cùng với viêm dạ dày và tiêu chảy hoặc chảy máu trực tràng. Rối loạn tâm thần: mê sảng, ảo giác, lú lẫn, trầm cảm. Ở mức độ nhẹ hơn thì sẽ bị lo lắng, trầm uất, rối loạn giấc ngủ và cảm giác…
Đối với trường hợp bệnh nhân T. do thời gian rất dài bệnh nhân không để ý đi khám do đó, hệ quả để lại rất nặng nề. Vitamin B3 ảnh hưởng rất nhiều từ chế độ ăn uống sinh hoạt, hay thiếu ở người già, người lớn tuổi. Bệnh nhân này có tiền sử bệnh gan, gia đình không phát hiện, kết hợp trên điều kiện kinh tế không cho phép, nên không thể đưa bệnh nhân đi khám xét thường xuyên khi biểu hiện còn mới.
Điều trị đặc hiệu là uống niacinamide (còn gọi là vitamin PP), đồng thời có chế độ ăn giàu vitamin (đặc biệt các vitamin nhóm B khác) và đạm năng lượng cao là cần thiết, chống nắng (kem kẽm, kem chống nắng), thuốc bong vẩy (salicylic 5%).
Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra một số thực phẩm chứa vitamin B3 mà người dân nên sử dụng như: Ức gà - nguồn vitamin B3 dồi dào có thể giúp tăng lượng cholesterol tốt từ 15 đến 30%; nấm- hàm lượng vitamin B3 dồi dào trong nấm có tác dụng tích cực trong việc làm giảm khoảng 20 - 50% chất béo trong máu; quả bơ- chứa nhiều vitamin B3, giúp làm giảm stress và giảm viêm; đậu xanh, lạc...
Các nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân thiếu Vitamin B3 thường do các vấn đề đường ruột, bao gồm tiêu chảy mãn tính, bệnh viêm ruột, và ruột kích thích có thể làm thiếu hụt vitamin B3. Thiếu tryptophan cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B3 bởi vì một phần của cung cấp B3 của cơ thể xuất phát từ chuyển đổi của các axit amin tryptophan. Thiếu Tryptophan có thể xảy ra ở những người có lượng protein tổng thể nghèo. Chấn thương vật lý, tất cả các loại căng thẳng, sốt lâu dài, và tiêu thụ quá nhiều rượu cũng đã được kết hợp với tăng nguy cơ thiếu hụt niacin.
N.Huyền