Ấn - Nhật bắt tay, Mỹ nên vỗ tay
Không chỉ có cùng chính sách đối ngoại cứng rắn, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có cùng lo ngại khi Trung Quốc đang ngày càng phát triển và có những động thái mạnh bạo. Hai bên bày tỏ quyết tâm ổn định an ninh trong khu vực và Washington nên hưởng ứng mối quan hệ giữa đồng minh của mình là Nhật Bản và đối tác chiến lược là Ấn Độ, đồng thời khuyến khích hai nước tiếp tục xích lại gần nhau hơn nữa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi. |
Việc hai nước cải thiện quan hệ cũng có lợi cho Mỹ về nhiều mặt. Bằng việc đảm bảo rằng ở châu Á, ngoài Trung Quốc ra còn có những nước lớn khác hợp tác với nhau, Tokyo và New Delhi có thể xây dựng sự ổn định về an ninh và giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Điều này cũng chứng minh rằng, trái với những gì Trung Quốc tuyên bố, vấn đề ở châu Á không phải là do Mỹ tập trung “kiềm tỏa” Trung Quốc. Và vào thời điểm Mỹ đang giảm bớt chi tiêu ngân sách quốc phòng và tập trung chủ yếu vào vùng Trung Đông, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng xóa bỏ những vấn đề có thể nảy sinh trong chiến lược của Mỹ tại châu Á.
Ngay từ trước chuyến thăm lần này, nguyên thủ hai nước cho biết Ấn Độ và Nhật Bản đã thiết lập “một mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn cầu đặc biệt”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh vào việc củng cố quan hệ với Nhật Bản ngay từ khi lên nhậm chức, còn Thủ tướng Abe thì muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Ấn Độ.
Chuyến thăm cũng cho thấy nhiều điều tích cực. Cả hai đã ký với nhau một thỏa thuận xây dựng tuyến đường tàu cao tốc có giá trị 15 tỉ USD cùng một hợp động bán máy bay chiến đấu cho Ấn Độ. Nhật Bản cũng sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Ấn Độ và Mỹ. Một thỏa thuận khác cho phép Ấn Độ và Nhật Bản chia sẻ những thông tin tình báo mật cũng đã được thông qua.
Thêm vào đó, chính phủ hai nước cũng đã đạt được bước đột phá trong viêc hợp tác phát triển công nghệ hạt nhân dân sự. Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp công nghệ sản xuất năng lượng hạt nhân cho Ấn Độ, và nó cũng sẽ cho phép các công ty Mỹ được sở hữu một phần bởi các cổ đông Nhật Bản đầu tư vào ngành năng lượng hạt nhân ở Ấn Độ.
Thỏa thuận công nghệ hạt nhân dân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng là lần đầu tiên Tokyo hợp tác với một quốc gia chưa tham gia vào Hiệp ước Không phố biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), một dấu hiệu đáng chú ý đối với Nhật Bản khi năm nay nước này kỷ niệm 70 năm thảm họa Hiroshima và Nagasaki xảy ra.
Hai nước đã thông qua thỏa thuận xây dựng tuyến đường tàu cao tốc ở Ấn Độ. |
Không khó để thấy được động cơ của những sự kiện trên. Ấn Độ và Nhật Bản đều có chung lý tưởng chính trị dân chủ, nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng rộng rãi trong khu vực cũng như trên thế giới. Cả hai đều tăng ngân sách quốc phòng và nâng cấp quân đội để có thể đẩy mạnh hoạt động quân sự ở nước ngoài. Hai nước cũng hợp tác về mặt kinh tế, qua đó nâng cao thương mại và đầu tư giữa hai bên. Quan trọng hơn cả, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều theo đuổi những chiến lược nhằm đảm bảo an ninh khu vực trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Phát biểu chung của nguyên thủ Nhật Bản và Ấn Độ có nội dung ẩn chứa những lo ngại về hoạt động gần đây của Trung Quốc. Ông Modi và Abe nhấn mạnh đến việc cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, kêu gọi các nước trong khu vực không được đơn phương hành động trên Biển Đông và thiết lập quy tắc ứng xử rõ ràng. Họ nói rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã bị Trung Quốc bỏ qua bằng các hoạt động trên biển của mình. Cuối cùng, nguyên thủ hai nước đồng ý hợp tác nhằm bảo vệ an ninh mạng và sẵn sàng hợp tác với Mỹ và Úc.
Có thể thấy rằng Washington nên khuyến khích Ấn Độ và Nhật Bản cùng với nhiều nước khác trong khu vực châu Á thiết lập quan hệ khăng khít. Mục đích cuối cùng không phải là nhằm “bao vây” Trung Quốc mà là đảm bảo Mỹ và các đối tác có thể cạnh trạnh với sự lớn mạnh về kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc và có nhiều lợi thế hơn để đàm phán với nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.