Ấn Độ ‘nhờ cậy’ Nga để đối phó với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp?
Ấn Độ dường như sẽ mua chiến đấu cơ mới được Nga trình làng để đối phó với quân đội Trung Quốc ở dọc vùng biên giới tranh chấp.
Hồi tuần trước, nhà sản xuất máy bay Sukhoi của Nga đã cho công bố nguyên mẫu tiêm kích mới mang tên “Checkmate” tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế MAKS-2021diễn ra ở ngoại ô thủ đô Moscow.
Tập đoàn Sukhoi đã nhấn mạnh tới tính năng tàng hình và giá thành khá thấp của dòng máy bay Checkmate. Theo Sukhoi, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 Checkmate đạt tốc độ tối đa Mach 2 và phạm vi hoạt động là 3.000 km, cùng sức chở là 7,4 tấn.
Nguyên mẫu tiêm kích mới mang tên “Checkmate” của Nga. (Ảnh: Bloomberg) |
Theo kế hoạch, Checkmate sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023 và quá trình chuyển giao có thể bắt đầu vào năm 2026. Nga có kế hoạch sản xuất 300 chiếc Checkmate trong vòng 15 năm để thay thế các phi đội máy bay đã lỗi thời.
Hiện công nghệ sử dụng trên dòng Checkmate chưa được công bố. Nhưng theo ông Wei Dongxu, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, thiết kế khí động học của Checkmate cho thấy nó có khả năng tàng hình tốt hơn cả Su-57, máy bay thế hệ thứ 5 do hãng Sukhoi sản xuất và đã được đưa vào biên chế của quân đội Nga hồi tháng 12/2020.
Cho tới nay ngoài Su-57, thế giới còn 3 dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang được sử dụng gồm Chengdu J-20 của Trung Quốc, Lockheed Martin F-22 và F-35 của Mỹ. Đáng nói, F-35 Lightning II là tiêm kích tàng hình duy nhất đang có sẵn để xuất khẩu, nhưng khách hàng chỉ giới hạn trong số các nước đồng minh của Mỹ.
Số đơn hàng mua máy bay tàng hình của Mỹ đang bị dồn ứ, do dây chuyền sản xuất của tập đoàn Lockheed Martin chỉ có thể cho ra đời từ 100 – 200 chiếc mỗi năm.
Trong khi đó, theo ông Sergei Chemezov, CEO Tập đoàn Rostec, giá thành của 1 chiếc Checkmate sẽ là từ 25 – 30 triệu USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức giá thấp nhất cũng đã là 100 triệu USD đối với 1 chiếc F-35 của Mỹ.
Cũng theo ông Chemezov, máy bay Checkmate khả năng sẽ được xuất khẩu sang các nước Trung Đông, châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.
Ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự Trung Quốc, nhận định khách hàng tiềm năng nhất mua máy bay Checkmate hiện là Ấn Độ.
Được biết Ấn Độ đã thảo luận với tập đoàn Lockheed Martin về việc mua các tiêm kích F-35, nhưng thương vụ vẫn chưa đi tới hồi kết. Song nhu cầu mua các tiêm kích thế hệ thứ 5 ở Ấn Độ lại gia tăng nhanh sau tranh chấp biên giới Trung - Ấn hồi năm ngoái.
Sau vụ đụng độ đẫm máu ở biên giới tranh chấp, Trung Quốc đã cho triển khai tiêm kích J-20 tới những sân bay ở tiền tuyến. Về phần mình, Ấn Độ cũng đã cho điều động các máy bay thế hệ 4,5 Dassault Rafales do Pháp sản xuất tới vùng biên.
Ông Song nhấn mạnh thêm còn quá sớm để dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ấn Độ mua tiêm kích thế hệ thứ 5.
Một yếu tố khác còn là sự ra đời của một máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc mang tên FC-31. Máy bay này vẫn đang trong quá trình phát triển và có ý định xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Máy bay FC-31 của Trung Quốc có những đặc điểm khá giống với F-35 của Mỹ và đã trải quan một số cải tiến kể từ chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2012. Hiện mức giá bán của FC-31 vẫn chưa được công bố.
Theo ông Song, “về tổng thể, Nga có nhiều ưu thế về động cơ máy bay và những đặc tính đặc biệt về thiết kế khí động học. Song hệ thống kiểm soát hỏa lực và hàng không điện tử lại khá lạc hậu”.
Dù Trung – Ấn từng rơi vào chiến tranh biên giới trên dãy Himalaya vào năm 1962, nhưng lâu nay Ấn Độ vẫn xem Pakistan là mối đe dọa chính. Kể từ sau vụ đụng độ biên giới đẫm máu ở bang Ladakh hồi tháng 6/2020 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng, chính quyền của Tổng thống Narendra Modi đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Pakistan để chú trọng vào đối phó với Trung Quốc. Trong vụ đụng độ này, Ấn Độ còn mất quyền kiểm soát khoảng 300 km2 đất dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Mối lo về nguy cơ hiểu lầm dẫn tới xung đột đẫm máu ngày càng hiện hữu ở khu vực dọc biên giới tranh chấp Trung - Ấn. Dù giới chức quân sự và ngoại giao Trung - Ấn đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhưng tiến trình giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước mới chỉ thu về kết quả khiêm tốn.
Vì sao các nhà ngoại giao nước ngoài liên tiếp rời khỏi Triều Tiên?
Liên tiếp các nhà ngoại giao nước ngoài rời khỏi Triều Tiên trong bối cảnh chính quyền Bình Nhưỡng vẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Minh Thu (lược dịch)