Ấn Độ muốn "chạy đua" với Mỹ đến Việt Nam
Chuyến thăm chính thức 2 ngày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ hồi cuối tháng 10 diễn ra sau vài tuần Tổng thống Pranab Mukherjee tới Hà Nội. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cũng đã có chuyến công tác tới Việt Nam. Trên thực tế, trong những năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo Việt - Ấn vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới hai nước.
Theo tạp chí FrontLine, một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận trong các chuyến thăm này là việc tăng cường mối quan hệ chiến lược và kinh tế giữa hai nước, vốn ngày càng trở nên gắn bó từ giữa thập niên 70. Chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee tới Việt Nam hồi giữa tháng Chín diễn ra trùng với thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thưc hiện chuyến thăm 2 ngày tới Ấn Độ vào cuối tháng 10. |
Hai nước Việt - Ấn đã xây dựng mối quan hệ ngoại giao kể từ thập niên 50. Đặc biệt, sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ song phương giữa hai nước càng trở nên khăng khít hơn.
Điển hình, hồi năm 1979, thời điểm bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ vào thời đó là ông Atal Behari Vajpayee đã rút ngắn chuyến thăm tới Trung Quốc nhằm thể hiện sự đồng cảm với nhân dân Việt Nam.
Quan hệ Việt - Trung và Việt - Ấn
Trong giai đoạn chống Mỹ, sự ủng hộ về mặt chính trị và quân sự của Trung Quốc với Việt Nam đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam với khối lượng đầu tư liên tục tăng trong hàng thập niên qua.
Trong khi đó, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn giữ ở mức bình thường. Do đó, New Delhi muốn tạo thêm dấu ấn của mình tại Việt Nam khi thổi luồng gió mới vào chính sách "hướng Đông" của nước này.
Theo tuyên bố của chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA), do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) dẫn đầu, Ấn Độ hiện đang mong muốn chuyển đổi chính sách "hướng Đông" sang chính sách "Hành động phía đông".
Ngay cả chính phủ Ấn Độ trước đây do Quốc hội dẫn đầu cũng đã chủ động thúc đẩy chính sách này như một phần trong kế hoạch kiềm chế Trung Quốc tăng tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, giới quan sát cho rằng những chính sách của Ấn Độ gần như tương đồng với chính sách mà Mỹ đang thi hành nhằm cô lập và bao vây Trung Quốc. Điển hình, chính sách "xoay trục tới châu Á" của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện rõ nhận định trên.
Một tàu Hải quân Mỹ ghé thăm Đà Nẵng. |
Vào năm 1995, Việt Nam và Mỹ mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng cho tới nay, mối quan hệ chiến lược và quân sự giữa hai nước đã không ngừng được nâng lên tầm cao mới.
Điển hình, trong tuần đầu tiên của tháng 10, chính quyền Tổng thống Obama đã ra tuyên bố xóa bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhằm giúp Hà Nội "tăng cường an ninh hàng hải". Trước đó, vào năm 2006, lệnh cấm bán vũ khí phi sát thương của Mỹ cho Việt Nam cũng đã được gỡ bỏ.
Tới năm 2013, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng thuận nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành "đối tác toàn diện". Cùng năm, trong chuyến thăm tới Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, lãnh đạo hai nước đã cam kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm quốc phòng và năng lượng.
Hồi tháng 12 năm ngoái, trong chuyến thăm tới Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry còn thông báo Washington sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu USD để nâng cấp năng lực quốc phòng bao gồm cả việc mua 5 tàu tuần tra cho lực lượng Bảo vệ bờ biển Việt Nam.
Điểm đáng nói là Mỹ hiện đang để ý tới căn cứ quân sự chiến lược Vịnh Cam Ranh nằm ở phía bắc Việt Nam. Mới đây, một quan chức cấp cao Mỹ còn tiết lộ rằng Hải quân Mỹ đang chuẩn bị quay trở lại Biển Đông trên một con đường lớn. Ngoài ra, các tàu của Hải quân Mỹ đã được phép thả neo tại vùng biển chiến lược này.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang mong muốn đưa vào khai thác thương mại khu cảng và sân bay tại Vịnh Cam Ranh. Trước đó, căn cứ Cam Ranh từng bị bỏ hoang sau khi quân đội Mỹ thất bại trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Sau khi quân nhân Mỹ rút về nước, Nga đã sử dụng lại căn cứ Cam Ranh. Tuy nhiên, khi Liên Xô cũ sụp đổ, quân đội Nga cũng đã rút quân khỏi cảng Cam Ranh.
Dấu hiệu xung đột
Trong chuyến thăm tới New Delhi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giới truyền thông cho hay Ấn Độ sẽ cung cấp 4 tàu tuần tra cho Hải quân Việt Nam cũng như đào tạo khả năng "chiến đấu toàn diện" cho 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam.
Còn Washington đã ký hiệp ước an ninh then chốt với Philippines nhằm cho phép Mỹ lập các căn cứ quân sự của riêng mình trên đất Philippines. Ngoài Philippines, Mỹ còn có Nhật Bản là đồng minh thân thiết bấy lâu nay tại châu Á. Đặc biệt, dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, cuộc chiến tranh giành chủ quyền lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo lại trở nên ngày càng căng thẳng.
Trung Quốc lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng Năm. |
Do đó, Bắc Kinh có lý do để nghi ngờ rằng những hành động của Washington và New Delhi là nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoài ra, khi giới chức Ấn Độ tuyên bố họ đang nỗ lực thúc đẩy tăng cường các mối liên kết kinh tế, chính trị chiến lược với những quốc gia chủ chốt trong khu vực như Việt Nam và Myanmar, Trung Quốc cũng tỏ rõ sự không hài lòng. Theo đó, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối đề xuất Ấn Độ bán tàu tuần tra cho Việt Nam cũng như việc các công ty dầu mỏ Ấn Độ được phép hoạt động trong khu vực Biển Đông đang xảy ra tranh chấp.
Đáp lại, Trung Quốc khẳng định họ không hối hận khi hỗ trợ quân sự cho Pakistan cũng như đầu tư vào xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt tại vùng tranh chấp Kashmir.
Mua bán vũ khí
Cuộc thảo luận về việc Ấn Độ bán tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm “Brahmos” cho Việt Nam đã một lần nữa được nhắc tới trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong khi đó, lâu nay, Nga vốn là một trong những quốc gia sản xuất nhiều mẫu tên lửa, cũng đang đặc biệt quan tâm tới cơ hội ký kết các thỏa thuận mua bán khí tài với Việt Nam. Và điều chắc chắn, Moscow biết rõ là Trung Quốc, đồng minh thân thiết của nước này, sẽ không hài lòng. Tuy nhiên, trước đó, Nga và Việt Nam đã ký kết hàng loạt thỏa thuận mua sắm vũ khí trị giá hàng tỷ USD bao gồm 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo.
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ. |
Ngoài ra, tên lửa Brahmos cũng sẽ sớm được Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam. Song, thương vụ này có khả năng gây tác động tiêu cực tới mối quan hệ Trung - Ấn. Đây chính là lý do khiến New Delhi cân nhắc khoảng thời gian thích hợp để bán vũ khí cho Hà Nội.
Tranh chấp trên Biển Đông
Mối quan hệ Việt – Trung đã không may rơi vào vòng căng thẳng khi hồi tháng Năm, Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tiếp đó, Việt Nam đã đồng ý cho phép Tập đoàn dầu khí đa quốc gia ONGC Videsh của Ấn Độ khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia trên Biển Đông. Song, phía Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.
Trong buổi họp báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố "mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam là điều quan trọng nhất với chúng tôi". Theo đó, chính phủ của ông Modi sẽ nhanh chóng huy động khoản tiền 100 triệu USD để giúp Việt Nam trang bị các tàu hải quân mới và nhiều trang thiết bị quân sự khác.
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi thực thi giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông cũng như đảm bảo "quyền tự do hàng hải và hàng không qua vùng biển này không bị cản trở cũng như hối thúc các bên liên quan hành động kiềm chế".
Thuyền máy của Việt Nam đậu trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. |
Trong khi đó, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông bất chấp việc một số quốc gia khác như Việt Nam, Philippines và Malaysia cũng ra tuyên bố quyền chủ quyền trên vùng biển này.
Chính quyền Bắc Kinh còn nhiều lần khẳng định Biển Đông là "vấn đề quan tâm cốt lõi" đối với quốc gia này và sáng ngang với những biến động tại Tây Tạng và Đài Loan. Do đó, lãnh đạo Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng đàm phán về một giải pháp hòa bình trước vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với các nước thuộc khối ASEAN hoặc đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo các nước liên quan.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ thì khuyến khích các nước như Philippines và Việt Nam không nên đơn phương khiếu kiện mà cần quốc tế hóa các tranh chấp liên quan tới một vài hòn đảo trên Biển Đông.
Trung Quốc còn đề xuất hợp tác tìm kiếm và khai thác chung các mỏ hydrocarbon với cả những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phản ứng trước thông tin Việt Nam và Ấn Độ hợp tác khai thác dầu mỏ và khí đốt tại các lô khai thác mới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những tuyên bố rất sai trái và thể hiện sự bất chấp luật pháp quốc tế: "Bắc Kinh không phản đối các hoạt động khai thác tại những vùng biển không xảy ra tranh chấp. Nhưng nếu hoạt động khai thác chung ảnh hưởng tới chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc sẽ hoàn toàn phản đối. Trung Quốc có chủ quyền không tranh tranh cãi với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh".
Bỏ qua xung đột để hợp tác kinh tế
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ấn Độ còn đề xuất khoản hỗ trợ thêm 300 triệu USD nhằm giúp Việt Nam "đa dạng hóa các mối liên kết giữa ngành công nghiệp và kinh tế".
Ngoài ra, bỏ qua những bất đồng trong khu vực, Ấn Độ và Việt Nam đã cùng tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Hiện nay, AIIB được xem là đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB).
Đại diện 21 quốc gia tham gia AIIB. |
Trước đó, Mỹ đã vận động hành lang các quốc gia châu Á không tham gia vào AIIB. Song, bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama, 21 quốc gia châu Á từ lớn tới nhỏ đã cùng ký tên vào danh sách các nước thành viên trong AIIB. Tuy nhiên, danh sách này hoàn toàn thiếu vắng tên các đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia có mối quan hệ thương mại rộng mở với Trung Quốc, cũng đang được kỳ vọng sẽ sớm tham gia vào AIIB.
AIIB được thành lập với nguồn góp vốn 50 tỷ USD của Trung Quốc. Mục tiêu chính hoạt động của ngân hàng là phát triển cơ sở hạ tầng tại những khu vực kém phát triển nhất tại châu Á. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, khu vực này cần 8 ngàn tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng cho tới năm 2020.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ FrontLine, tạp chí quốc gia của Ấn Độ do nhà xuất bản The Hindu phát hành.