Ấn Độ hối hả ‘bảo vệ các vị trí chiến lược’ biên giới
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-IV. Tên lửa đất đối đất Agni-IV, có tầm bắn 4.000 km là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất của Ấn Độ. Agni-IV gồm hai tầng, chạy bằng nhiên liệu rắn và nhẹ hơn Agni-III bởi các vỏ bọc của động cơ rocket làm bằng chất tổng hợp. Agni-IV được thiết kế để mang được trọng tải 1.000kg; bệ phóng được trang bị lá chắn nhiệt giúp đầu tên lửa có thể chịu được nhiệt độ hơn 3.000 độ C.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, việc thử thành công tên lửa Agni-IV tầm xa 4.000 km là nhằm tiến tới xây dựng một lực lượng răn đe hạt nhân đáng tin cậy để “đối phó với mọi nguy cơ”.
Tên lửa đất đối đất Agni-IV, có tầm bắn 4.000 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất của Ấn Độ |
Trên thực tế, việc Ấn Độ tỏ ra ngày càng tích cực trong việc tăng cường năng lực quốc phòng tại các điểm trọng yếu dọc theo biên giới cho thấy nước này đang khá lo ngại trước mối quan hệ quân sự Bắc Kinh –Pakistan ngày càng sâu sắc và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại các khu vực Kashmir do Pakistan chiếm giữ (PoK) và khu vực Gilgit- Baltistan.
Quân đội Ấn Độ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giữ các “vị trí chiến lược” tại khu vực Siachen Glacier-saltoro Ridge, đồng thời bày bỏ mối quan ngại với Chính phủ về sự có mặt của binh sĩ Trung Quốc tại PoK.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, tướng Bikram Singh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ cam kết rằng sẽ không để tái diễn cuộc chiến tranh năm 1962 (cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc). Ông nói: “Với tư cách là Tổng tham mưu trưởng, tôi đảm bảo với quốc gia rằng cuộc chiến năm 1962 sẽ không tái diễn… Chúng tôi đã có kế hoạch ở tất cả biên giới để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta”.
Tháng 10/1962, Trung Quốc đã mở cuộc tấn công quân sự vào Ladakh và Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Tướng Bikram Singh khẳng định Ấn Độ đang tăng cường khả năng quân sự vì các mục tiêu an ninh quốc gia của mình, chứ không nhằm vào bất kì nước nào. Tuy nhiên, Tướng Bikram Singh nói rõ về “tầm quan trọng chiến lược” của Siachen-Saltoro Ridge, nơi 850 binh sĩ Ấn Độ đã ngã xuống kể từ năm 1984. Tướng B.Singh khẳng định: “Chúng tôi không hề thay đổi quan điểm. Chúng tôi phải tiếp tục giữ vững khu vực này…Chúng tôi đã hi sinh và đổ nhiều máu tại đó”.
Với việc kiểm soát hầu hết các độ cao hầu hết từ 4.900 đến 67.000m ở Saltoro Ridge, binh sĩ Ấn Độ sẽ ngăn chặn một cách hiệu quả sự thâm nhập Pakistan từ phía Tây và Trung Quốc từ phía Đông xuyên qua Karakoram đe dọa khu vực Ladakh của Ấn Độ.
Về sự có mặt của các binh sĩ Trung Quốc (PLA) ở Pok – mà trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã bác bỏ - Tướng B.Singh nói: “Binh sĩ Trung Quốc có mặt ở đấy để bảo vệ công trình hạ tầng mà họ đang xây dựng như đường bộ,đường sắt và các dự án thủy điện”.
Ngoài tên lửa Agni, máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI, quân đội Ấn Độ đã đề xuất khẩn cấp thành lập các đơn vị tấn công miền núi, với hai sư đoàn được đặc biệt để tiến hành chiến tranh ở các vùng có độ cao lớn, và có khả năng tấn công trên bộ chống lại Trung Quốc. Hai sư đoàn bộ binh mới với hơn 35.000 quân đã được triển khai xung quanh khu vực Zakama (Nagaland) và Misamari (Assam) trong 3 năm qua.
Chính phủ Ấn Độ đã trả lại Ủy ban các tham mưu trưởng kế hoạch đề xuất của quân đội với kinh phí 650 tỷ rupee thành lập các đơn vị tấn công miền núi (bổ sung thêm 40.000 quân) để ủy ban này xem xét lại. Song Tướng Bikram Singh nói: “kế hoạch thành lập các đơn vị tấn công đang trong tiến trình phê chuẩn, chứ không phải gác lại. Chúng tôi (quân đội) sẽ trình lên Chính phủ. Chúng tôi phải tạo khả năng gìn giữ các lợi ích an ninh quốc gia, chứ không phải nhằm vào bất kỳ nước cụ thể nào”.