Ấn Độ chi gần 3 tỷ USD để làm gì ngay sát biên giới Trung Quốc?
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin theo bản báo cáo của Cơ quan Công trình công cộng trung ương Ấn Độ (CPWD), những con đường mới sẽ được triển khai xây dựng ở các bang Arunachal Pradesh, Sikkim, Jammu và Kashmir, Uttarakhand và Himachal Pradesh.
Trung Quốc cho thử nghiệm xe tăng ở Tây Tạng, khu vực giáp biên giới với Ấn Độ hồi năm 2017. |
Những con đường mới được xây dựng nằm xung quanh các hệ thống cơ sở hạ tầng ở phía đông bắc Ấn Độ vốn được xem là nền tảng để thách thức những tuyên bố chủ quyền đơn phương từ phía Trung Quốc.
Hiện bản đề xuất xây dựng 44 con đường mới ngay sát biên giới Trung Quốc đang chờ được nội các do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu thông qua. Trên thực tế, một số con đường mới đã được Ấn Độ triển khai xây dựng.
Theo hai quan chức Ấn Độ giấu tên, các con đường chiến lược mới này sẽ được Tổ chức Đường bộ Biên giới (BRO) và CPWD cùng xây dựng. Hiện Ấn Độ đang xây tới 73 con đường chiến lược dài 4.643 km dọc biên giới Trung - Ấn.
Theo giới phân tích, dự án xây dựng đường xá của Ấn Độ là nhằm hỗ trợ nhanh chóng huy động lực lượng quân sự và vũ khí trong trường hợp không may căng thẳng xung đột bùng phát.
Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Phân tích Trung Quốc, ông Jayadeva Ranade nhận định có 3 lợi ích chính khi Ấn Độ quyết định triển khai xây dựng hơn 44 con đường gần biên giới Trung Quốc.
Thứ nhất, đây sẽ là cơ sở kết nối các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc và kinh tế ở vùng biên.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng mới sẽ giúp việc triển khai quân đội diễn ra dễ dàng hơn bởi việc thiếu hệ thống đường xá khiến quân đội Ấn Độ phải mất vài ngày mới có thể tiếp cận và tuần tra ở những địa điểm xa xôi hẻo lánh.
Thứ ba, hoạt động vận chuyển vũ khí sẽ diễn ra nhanh chóng một khi các con đường được hoàn thành và đi vào khai thác. Theo ông Ranade, thời gian vận chuyển vũ khí đóng vai trò then chốt do các linh kiện bị tháo rời và phải lắp ráp mới có thể chiến đấu.
Hồi tháng 12/2018, Ủy ban các vấn đề đối ngoại thuộc Quốc hội Ấn Độ cũng đã cho công bố bản báo cáo về tình hình đường xá tại khu vực biên giới giáp với Trung Quốc.
“Hệ thống cơ sở hạ tầng đường xá ở khu vực biên giới Trung - Ấn là hoàn toàn bất hợp lý. Ấn Độ hiện chỉ có các tuyến đường một lối vào, đây là điều nguy hiểm trong thời gian xảy ra xung đột. Thậm chí, nhiều tuyến đường còn không thể phục vụ hoạt động đi lại của quân đội. Trung Quốc đã giành được ưu thế trong hoạt động điều quân trong cuộc chiến biên giới năm 1962 do đó, chúng ta cần phải rút ra bài học lịch sử”, bản báo cáo viết.
Cũng trong tháng 12/2018, Thủ tướng Modi đã cho khánh thành cầu đường sắt Bogibeel tại bang Assam. Đây được xem là tuyến đường sắt và đường bộ dài nhất của Ấn Độ với hy vọng hỗ trợ công tác hậu cần quốc phòng. Cây cầu này chịu được tải trọng của các xe tăng hạng nặng và cả chiến đấu cơ.
Trước đó, Ấn Độ cho khánh thành cây cầu từng được xem là dài nhất của quốc gia này với tổng chiều dài 9,2 km nối hai bang Assam và Arunachal Pradesh hồi năm 2017. Cây cầu này được xem là giải pháp giúp quá trình điều động các khí tài chiến thuật của Ấn Độ trở nên dễ dàng hơn.
Còn vào tháng 6/2017, Ấn Độ đã cho điều động binh sĩ tới cao nguyên Doklam, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan sau khi Trung Quốc tiến hành xây dựng một con đường chạy dọc cao nguyên này. Hành động điều binh của Ấn Độ là nhằm thể hiện sự ủng hộ trước Bhutan, quốc gia đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc triển khai xây dựng ngay trên khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.
Cuộc đối đầu ở Doklam giữa quân đội Trung - Ấn kết thúc sau 73 ngày khi hai bên đồng thuận cùng rút lui và phía Trung Quốc chấm dứt dự án xây đường.