Amazon: Hành trình lên đỉnh thế giới
Amazon: Mọi thứ đều hùng vĩ
Nhắc đến Amazon là nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh con sông dài nhất thế giới hay khu rừng mưa nhiệt đới lớn của châu Mỹ. Nhưng đến thế kỷ XXI này, Amazon còn gợi cho người ta nhớ đến một công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Có điểm chung giữa những thứ có chung tên gọi Amazon, đó là: mọi thứ đều hùng vĩ.
Hành trình vĩ đại của Amazon bắt đầu từ năm 1994 khi CEO Jeff Bezos quyết định từ bỏ công việc mơ ước ở phố Wall để khởi nghiệp với số tiền tích lũy chưa đến 250.000USD và sáng lập công ty dựa trên ý tưởng một cửa hàng bán sách trực tuyến vào thời điểm Internet được dự đoán bùng nổ.
Jeff Bezos, sáng lập và CEO Amazon - Ảnh: AP |
Đến năm 1996, công ty nhận được khoản đầu tư trị giá 8 triệu USD từ một công ty đầu tư rủi ro. Và cuối năm đó, doanh thu Amazon đã đạt con số 15,7 triệu USD. Tháng 5/1997, công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với giá chào sàn 18 USD/cổ phiếu. Năm 1998, công ty bắt đầu kinh doanh thêm nhạc và video và tiến hành các hoạt động quốc tế như thâu tóm các cửa hàng sách trực tuyến ở Anh và Đức.
Những năm tiếp sau, công ty đã bán game video, thiết bị điện tử tiêu dùng, đồ gia dụng, phần mềm và các mặt hàng khác…
Ở thời điểm bong bóng dotcom nổ tung, niềm tin của nhà đầu tư vào các công ty công nghệ dần sụp đổ. Nhưng chính sự dẫn dắt của CEO Bezos cùng với tầm nhìn chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng nên Amazon vẫn trụ vững và trưởng thành hơn.
Xuất phát từ mục tiêu trở thành của hàng bán sách lớn nhất thế giới, Amazon đã dần lấn sân sang lĩnh vực mới và gặt hái nhiều thành công.
Năm 2002, tập đoàn bắt đầu triển khai dịch vụ lưu trữ đám mây Amazon Web Services hay AWS. Vào năm 2006, công ty đã phát triển các danh mục AWS với các dịch vụ như cho thuê sức mạnh xử lý của máy tính EC2, lưu trữ dữ liệu đơn giản S3 qua Internet... Cũng trong năm này, công ty triển khai “Fulfillment by Amazon” giúp các cá nhân quản lý hàng tồn kho và các doanh nghiệp nhỏ bán hàng của họ thông qua website công ty.
Nhắc đến Amazon người ta còn có thể nhớ đến hàng loạt những từ khóa như “Kindle” – thiết bị & phần mềm đọc sách điện tử - hay trợ lý ảo Alexa, dịch vụ Amazon Prime…
Tháng 5/2017 đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử của Amazon khi giá cổ phiếu của công ty lần đầu vượt ngưỡng 1.000 USD đúng sau 20 năm lên sàn. Mặc dù đã bỏ lỡ cột mốc công ty nghìn tỷ USD được xác lập hồi tháng 9/2018, nhưng trong tháng 01/2019 này Amazon đã soán ngôi Microsoft để trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới ở mức gần 800 tỷ USD.
Các yếu tố tạo nên thành công
Với Amazon, có 5 yếu tố chính tạo dựng nên sự thành công và được các nhà đầu tư quan tâm: đám mây, thương mại điện tử, cơ hội tăng trưởng, đội ngũ lãnh đạo gắn bó, ít điều tiếng…
Với điện toán đám mây, trong khi Microsoft đang phi nhanh như một chú ngựa ô thì Amazon Web Services vẫn đóng vai trò đầu đàn. Theo Synergy Research Group, AWS hiện chiếm khoảng 40% thị trường dịch vụ điện toán đám mây và đạt doanh thu hằng năm hơn 23 tỷ USD.
Khách tham dự toàn cầu tụ hội tại một sự kiện tổ chức bởi AWS, công ty dịch vụ đám mây mang về lợi nhuận cao nhất cho Amazon - Ảnh: H.Đ |
Với hàng triệu khách hàng chủ động, AWS có hơn 140 dịch vụ dành cho các nhà phát triển và công việc kinh doanh vẫn đang tiếp tục mở rộng về mặt địa lý. Các cơ sở đám mây của Amazon đang đến Bahrain, Hong Kong, Ý, Nam Phi… Và công ty này cũng đang nỗ lực có được hợp đồng 10 tỷ USD của Bộ quốc phòng Mỹ.
Trong nhiều năm qua, dù Amazon lấn sân sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, nhưng cốt lõi của họ vẫn là thương mại điện tử. Theo eMarketer, Amazon đã chiếm khoảng một nửa tổng doanh số thương mại điện tử ở Mỹ vào năm ngoái. Cánh cửa phát triển vẫn rộng mở vì theo thống kê thì Amazon chỉ chiếm khoảng 5% thị trường tiêu dùng bán lẻ tại quê hương.
Bên cạnh đó Amazon vẫn còn một số cơ hội hấp dẫn để gia tăng doanh thu. Mảng quảng cáo cũng đang có nhiều đột phá dù chỉ chiếm một phần trong mục kinh doanh “Khác” ở các báo cáo tổng kết của Amazon nhưng đã có tốc độ tăng trưởng đến 122% vào quý III năm ngoái, vượt mốc 2,5 tỷ USD.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một trong những mối quan tâm lớn của Amazon sau khi họ chi 1 tỷ USD để mua lại nhà thuốc trực tuyến PillPack vào năm ngoái. Ngân hàng là lĩnh vực mà Amazon có thể tiến xa hơn khi gần đây công ty này tiết lộ rằng họ đang nghiên cứu triển khai các sản phẩm tài chính.
Amazon cũng lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh với Amazon Studios hướng tới sản xuất các chương trình truyền hình và phim ảnh. Bên cạnh đó, Amazon còn có thể kiếm tiền thông qua trợ lý ảo Alexa khi mọi người dùng nó để hỗ trợ việc mua hàng.
Một trong những khác biệt chủ yếu giữa Amazon và các tập đoàn lớn khác là đội ngũ lãnh đạo của công ty này có sự gắn kết chặt chẽ.
CEO Jeff Bezos đã tập hợp một nhóm các nhà điều hành trung thành ở vị trí cao nhất trong công ty. Đó là S-Team của Bezos với số giám đốc điều hành ít hơn 20 người được biết đến bởi sự ổn định về nhân sự, nhiều người trong số đó đã gắn bó hàng thập kỷ với Amazon, vốn trở thành một phần trong văn hóa công ty.
Mặc dù là một doanh nghiệp ít bị điều tiếng, nhưng gần đây Amazon đã vướng vào một số vấn đề gây tranh luận bao gồm sự công kích từ tổng thống Trump, việc tìm kiếm trụ sở thứ hai hay mới đây nhất là vụ ly hôn của CEO Jeff Bezos…
Dù vậy, hầu như không có vấn đề nào trong số đó có thể tạo rủi ro tức khắc cho Amazon bởi quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay các nhà lãnh đạo có sự gắn bó chặt chẽ và khi hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đang khá trôi chảy. Trái ngược với khó khăn của Apple tại Trung Quốc, bê bối về quyền riêng tư của Facebook thì cổ phiếu của Amazon vẫn được xem là lựa chọn ít mạo hiểm hơn.