Ai là người đứng sau tổ chức khủng bố khuấy đảo Philippines?
Theo Reuters, khi nhóm phiến quân do Omarkhayam và những người anh em ruột tên này chiếm đóng thị trấn ở phía nam Philippines ngày 23/5, trải khắp đường phố băng rôn, khẩu ngữ và cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS thì có vẻ như những lời tự miêu tả trên mạng xã hội của tên trùm khủng bố này là hoàn toàn phù hợp.
Các chính phủ khắp Đông Nam Á đang trải qua một quãng thời gian căng thẳng khi tổ chức khủng bố IS, với gốc rễ ở Iraq và Syria, muốn thành lập một “vương quốc mới” ở khu vực này và hứa hẹn sẽ trở thành một mối đe dọa đáng sợ cho cả Đông Nam Á.
Phát biểu trên đài phát thanh Australia hôm 10/6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nhận định khi đề cập đến cuộc chiến chống phiến quân Maute để lấy lại thành phố Marawi, Philippines: “Trung Đông trông có vẻ cách khá xa nhưng thực tế lại không như vậy. Đây là một vấn đề đang hiện hữu ngay giữa chúng ta. Đây là một mối nguy hiểm rõ ràng và thực tế”.
Người trong ảnh được quân đội Philippines nhận diện là Abdullah Maute. Nguồn: Reuters |
Omarkhayam và Abdullah Maute lớn lên cùng một vài anh chị em khác ở ngay thành phố Marawi, một khu vực với phần lớn là người theo đạo Hồi trong quốc gia mà 90% theo đạo Thiên Chúa giáo. Về lịch sử, Marawi là trung tâm Hồi giáo ở Mindanao, hòn đảo lớn thứ hai Philippines, nơi có truyền thống đấu tranh chống chính quyền kể từ thời thuộc địa Tây Ban Nha. Cho đến những thập kỷ gần đây, Mindanao vẫn liên tiếp diễn ra tình trạng bạo lực do sự nghèo đói và thờ ơ của chính quyền.
Mới chỉ là những thanh niên sinh từ năm 1990, anh em nhà Maute trông có vẻ giống như các nam thanh niên bình thường khác. Theo một người hàng xóm của gia đình Maute, họ được học tiếng Anh và kinh Koran và thường chơi bóng rổ trên đường phố.
“Chúng tôi vẫn băn khoăn việc tại sao hai anh em lại rơi vào lý tưởng của IS. Họ là những người tốt, sùng đạo. Khi một người ghi nhớ kinh Koran thì rất hiếm khi họ làm điều gì sai trái. Nhưng đây lại là điều xảy ra với anh em nhà Maute”, người hàng xóm, từng gia nhập phiến quân IS nhưng đã đầu hàng trước chính phủ, kể lại.
Vào đầu những năm 2000, Omarkhayam và Abdullah đã đi học ở Ai Cập và Jordan, vì vậy họ có thể nói nhuần nhuyễn tiếng Ả Rập. Omarkhayam học tại ĐH Al-Azhar ở Cairo, nơi đây hắn đã gặp con gái của một giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ người Indonesia. Sau khi kết hôn, cặp đôi quay trở về Indonesia. Tại đây, Omarkhayam dạy học tại trường của cha vợ và năm 2011, tên này quay trở về Mindanao. Có thể vào chính thời điểm này chứ không phải quãng thời gian ở Trung Đông, Omarkhayam đã bị IS “thuần hóa” và trở nên cực đoan.
Tại Cairo, “không một đồng môn nào thấy Omarkhayam có khuynh hướng cực đoan cả và trong các bức ảnh đều cho thấy một người đàn ông trẻ vui vẻ chơi đùa với các con gái của mình bên bờ Hồng Hải”, chuyên gia chống khủng bố Jakarte, Sidney Jones viết trong một báo cáo hồi năm 2016.
Người quấn khăn vàng trên ảnh được tình báo Philippines nhận diện là Hapilon trong đoạn video được tung ra hôm 9/6. Nguồn: Reuters |
Còn cuộc sống của Abdullah sau khi tới Jordan có rất ít thông tin và không rõ tên này đã quay trở về Lanao del Sur, một tỉnh ở Mindanao từ lúc nào. Các nguồn tin tình báo cho rằng gia đình Maute có tất cả 7 anh chị em ruột và một người em trai cùng cha khác mẹ, chỉ trừ một người còn lại tất cả gia đình đều tham gia cuộc chiến ở Marawi.
Thông minh và tính toán
Gia đình Maute là một gia đình khá giả trong một xã hội gắn bó nơi sự tôn trọng, danh dự và kinh Koran là tối cao. Phát ngôn viên quân đội Philippines, Jo-Ar Herrera cho biết thị tộc Maranao, nguồn gốc của gia đình Maute, có truyền thống mẫu hệ, vì vậy người mẹ đóng một vai trò trung tâm.
Trung tá Jo-Ar Herrera cho hay bà Farhana Maute, người sở hữu doanh nghiệp đồ nội thất và ô tô đã qua sử dụng, là người tài trợ cho nhóm khủng bố. Bà ta cũng chính là người chịu trách nhiệm tuyển quân và “tư tưởng hóa” các thanh niên trẻ ở địa phương.
Hôm 9/6 vừa qua, bà ta đã bị chặn ở bên ngoài Marawi trong một chiếc xe chở đầy súng và các thiết bị nổ nên đã bị bắt tạm giam. Theo ông Herrera, đây là một “cú sốc” đối với lực lượng phiến quân Maute bởi bà ta là “trái tim của tổ chức Maute”. Một ngày trước đó, người cha của anh em nhà Maute, một kỹ sư, cũng đã bị bắt ở thành phố Davao, cách đó 250 km.
Không quân Philippines ném bom xuống địa điểm của phiến quân. Nguồn: Reuters |
Khi cuộc chiến ở Marawi bắt đầu, có vài trăm phiến quân tham gia, bao gồm những người đàn ông từ các quốc gia xa xôi như Morocco và Yemen nhưng hầu hết đều là người Marawi. Nhóm phiến quân này đã lấy dân thường làm lá chắn, đốt phá nhà thờ Thiên Chúa, tất cả đến từ bốn nhóm phiến quân địa phương thân IS và dẫn đầu chính là gia đình Maute.
Theo người phát ngôn quân đội Philippines, nhóm Maute có “các thành viên thông minh nhất, được giáo dục tốt nhất và tinh vi nhất” trong tất cả các nhóm thân IS ở Philippines. Samira Gutoc-Tomawis, một lãnh đạo địa phương, người có quen biết với một số họ hàng nhà Maute, cho biết anh em nhà Maute chủ yếu dựa vào mạng xã hội để tuyển những người trẻ và reo rắc “lý tưởng độc đoán và cứng rắn của mình”.
“Anh em nhà Maute rất tích cực hoạt động trên mạng. Trên Youtube, họ đã tải lên các video về lý tưởng của mình. Họ rất tính toán, được giáo dục tốt và duy tâm”, bà Samira cho biết.
Cayamora Maute, người tự nhận là cha của hai thủ lĩnh nhóm phiến quân Maute bị bắt hôm 6/6. Nguồn: Reuters |
Một người hàng xóm giấu tên của gia đình Maute cho hay, các chiến binh của nhóm này cũng rất liều lĩnh. Người này đã bị kẹt 5 ngày trong căn nhà của mình hồi tháng trước và chứng kiến cuộc chiến giữa các phiến quân và lực lượng vũ trang Philippines với súng đạn nổ khắp nơi và máy bay OV-10 bay ngay trên đầu.
“Dù máy bay OV-10 liên tiếp thả bom xung quanh nhưng họ (các phiến quân) vẫn ngồi đó ăn bánh quy chứ không hề chạy đi tìm chỗ trốn”, người hàng xóm cho biết.
Ngày 28/5, một nhóm gồm 7 chiến binh, trong đó có Omarkhayam, đã tới nhà của người hàng xóm này và hỏi tại sao anh ta không rời đi. Khi người này trả lời rằng sợ bị trúng đạn khi chạy trốn thì những tay súng này đã hướng dẫn cho anh ta cùng một vài người nữa tới cây cầu dẫn ra khỏi thị trấn và còn cho họ mảnh vải màu trắng để vẫy tránh bị bắn.
“Tôi muốn giết họ ngay bây giờ”
Nhóm phiến quân Maute nổi lên từ năm 2013 khi tham gia đánh bom một câu lạc bộ đêm ở Cagayan de Oro gần Marawi. Danh tiếng của nhà Maute bắt đầu được biết đến từ đó và đáng chú ý nhất là vụ đánh bom năm ngoái tại một khu chợ đường phố ở quê hương của Tổng thống Rodrigo Duterte, thành phố Davao.
Các thành viên nhóm Maute bị bắt trong vụ tấn công Davao khai rằng họ thực hiện theo lệnh của Isnilon Hapilon của nhóm Abu Sayyaf, một nhóm phiến quân thành lập từ những năm 1990 đi theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhưng được biết đến như một nhóm tội phạm chuyên giết người và bắt cóc.
Binh lính Philippines chiến đấu với phiến quân Maute. Nguồn: Reuters |
Năm ngoái, IS đã tuyên bố Hapilon là “vua” của tổ chức khủng bố này ở Đông Nam Á. Và tuần trước, Hapilon đã xuất hiện trong một đoạn video cùng với các chiến binh, gồm cả anh em nhà Maute, cho thấy âm mưu muốn biến Marawi thành khu tự trị của lực lượng khủng bố.
Trung tá Herrera cho hay gia đình Maute nhận được sự ủng hộ rất lớn ở Marawi. “Đây là địa điểm của nhà Maute, nơi gia đình họ sinh sống, nơi có văn hóa của họ, di sản của tổ tiển vì vậy nhà Maute nhận được sự đồng cảm rất lớn”, ông nói.
Nhưng Khana-Anuar Marabur Jr., một thành viên hội đồng thị trấn Marawi, cho rằng nhà Maute đã tạo ra tình trạng thù địch trong khu vực với tôn giáo cực đoan của họ. Ông cho hay ông đã tới nhà của gia đình Maute vào ngày mà họ tổ chức đánh chiếm Marawi và yêu cầu họ rời khỏi thị trấn.
“Họ bảo tôi hãy rời đi vì Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã yêu cầu họ làm việc này. Họ đối xử với tôi như kẻ thù. Giờ đây tôi thực sự rất muốn giết hết các phiến quân”, ông Khana-Anuar Marabur Jr. nói.