Ả Rập Xê út đe dọa dùng vũ lực nếu Qatar mua S-400 của Nga
Vào tháng 6/2017, Ả Rập Xê út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập cùng một vài nước vùng Vịnh khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cáo buộc nước này tài trợ khủng bố. Thêm vào đó, Qatar cũng bị cáo buộc “can thiệp” vào vấn đề nội bộ của các nước lân cận và bày tỏ sự ủng hộ đối với Iran, đối thủ lớn của Ả Rập Xê út.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đang được nhiều nước trên thế giới để ý. |
Giờ đây, Riyadh tỏ ra quan ngại rằng việc Doha mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga sẽ ảnh xấu đến “an ninh quốc gia” của các nước lân cận. Theo thông tin mà báo Le Monde (Pháp) thu được, Quốc vương Salman của Ả Rập Xê út đã gửi một bức thư cho Tổng thống Pháp, trong đó ông bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước hoạt động đàm phán mua tên lửa S-400 mà Qatar và Nga đang thực hiện.
Trong thư cũng nói rằng, nếu thỏa thuận được hai bên ký kết, Ả Rập Xê út “sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để tiêu diệt hệ thống phòng thủ này, trong đó có cả biện pháp quân sự”. Nội dung thư cũng kêu gọi Paris gây sức ép ngoại giao hơn nữa đối với Qatar.
Vào tháng 1 vừa qua, Đại sứ Qatar tại Nga Fahad bin Mohammed al-Attiyah tiết lộ rằng Qatar và Nga đang đàm phán để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ông Attiyah cho biết một thỏa thuận hợp tác quân sự mà hai nước đã ký kết vào tháng 10/2017 khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Qatar “đã mở ra cơ hội cho hai nước phối hợp với nhau trong lĩnh vực quân sự, trong đó bao gồm cung cấp khí tài, huấn luyện kỹ năng cho binh lính và sĩ quan, bảo dưỡng vũ khí các loại và hợp tác giữa các cơ quan tình báo”.
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga có thể phát hiện và đánh chặn gần như mọi vật thể bay, từ máy bay ném bom và các máy bay gây nhiễu điện tử, phi cơ tiêm kích cho đến các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đối thủ chính của S-400 hiện là hệ thống Patriot của Mỹ, song thông số của Patriot có phần thua kém hơn so với khí tài của Nga.
Mặc dù Washington chưa có bất kỳ bình luận nào về việc Qatar có thể sẽ mua S-400, song mới đây việc Thổ Nhĩ Kỳ có quyết định củng cố không phận bằng hệ thống tên lửa này đã khiến Mỹ phản ứng dữ dội. Mỹ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là một thành viên NATO, nên sử dụng các hệ thống quân sự mà các nước NATO khác đang sử dụng. Không chỉ có vậy, nghị sĩ Mỹ cũng đề xuất áp dụng một đạo luật nhằm cấm cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nghị sĩ Mỹ cũng cảnh báo Ấn Độ rằng việc nước này mua các loại vũ khí hiện đại của Nga sẽ tác động xấu đến quá trình hợp tác và chia sẻ công nghệ quân sự giữa Washington và New Delhi, đồng thời kêu gọi nước này xem xét lại quyết định mua S-400 của mình.