Ả rập Xê út chọn Nga để thay thế Mỹ?
Tổng thống Nga Putin và Mohammed ben Salman (bên trái). |
Nhận định trên do tạp chí Financial Times của Mỹ đưa ra. Theo đó, Ả rập Xê út đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ thực dụng hơn với Nga trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang suy yếu.
Sau khi Quốc vương Ả rập Xê út - Salman qua đời vào năm 2015, quyền lực thực sự ở quốc gia này đã thuộc về con trai của Quốc vương là Mohammed ben Salman, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Dưới thời Mohammed ben Salman, Ả rập Xê út đang thực hiện chính sách hết sức thực dụng và mang tính chất “hiếu chiến hơn” cả trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, Ả rập Xê út đang tiến hành chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng chống đối ở Yemen, hỗ trợ cho lực lượng phiến quân ở Syria và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.
Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn đang cố gắng tăng cường mối quan hệ với Moscow cho dù Nga được coi là đồng minh của các lực lượng mà Ả rập Xê út đang chống lại kể trên.
Trên thực tế, hoàng tử Mohammed ben Salman đang rất tích cực trong việc củng cố quan hệ với Moscow “cả về hình thức và nội dung” (như lời của các quan chức Ả rập Xê út nói).
Chủ đề thảo luận giữa hai bên là tình hình Syria, khả năng Ả rập Xê út mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự của Nga, tăng đầu tư của quốc gia này vào nền kinh tế Nga và khả năng hai bên phối hợp để ổn định giá dầu mỏ.
Tuy nhiên, điểm cản trở sự hợp tác giữa Ả rập Xê út và Nga là vấn đề liên quan đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, theo các quan chức thân cận với ông Mohammed ben Salman, trong chuyến thăm đến Sochi hồi tháng 10.2015, hoàng tử Mohammed ben Salman giải thích với phía Nga về quan điểm đối với Tổng thống al-Assad.
“Assad không có nhiều ý nghĩa với chúng tôi, Iran mới làm chúng tôi quan ngại”- Financial Times trích dẫn.
Sau các cuộc đối thoại này, phía Nga cũng khẳng định rằng “hiện đã rõ hơn về cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria”.
Sự nồng ấm trong quan hệ giữa Nga với Ả rập Xê út cho thấy ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Đông đang suy yếu. Sau khi Mỹ thúc đẩy đối thoại với Iran và từ chối can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Syria thì “người Ả rập Xê út rõ ràng đã quyết định hợp tác với Nga vì cho rằng Nga có thể gây ảnh hưởng lên Iran”- Financial Times kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.