9 người chết vì cúm H7N9, ngành gia cầm Trung Quốc "phá sản"
Người dân Thượng Hải đeo khẩu trang khi ra đường để tránh nhiễm phải virus H7N9 |
Kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên thông báo về việc virus H7N9 lây lan sang người cách đây hơn 1 tuần, số người nhiễm virus đã tăng lên con số 28.
Tân Hoa Xã cho biết 2 người tử vong hôm 9/4 sinh sống tại khu vực phía đông tỉnh An Huy và Giang Tô. Trước đó, 2 bệnh nhân này được xác định nhiễm virus H7N9.
Hiện, giới chức y tế Trung Quốc chưa phát hiện phương thức virus H7N9 lây lan song nhiều khả năng lây từ gia cầm sang người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo chưa có bằng chứng chứng minh virus H7N9 có thể truyền từ người sang người – một trong những yếu tố quan trọng để đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, giới chức địa phương khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống, đồng thời yêu cầu các cơ quan giám sát chất lượng nguồn thịt và trứng gia cầm hiện đang được bày bán vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nếu được nấu chín.
Theo truyền thông Trung Quốc, hoạt động buôn bán kinh doanh gia cầm đã "biến mất" khỏi nhiều khu vực trên lãnh thổ nước này, thậm chí ở cả những khu vực chưa xuất hiện trường hợp bệnh nhân nhiễm virus H7N9.
Báo cáo từ Phòng Tin tức Trung Quốc cho biết kể từ đầu tuần này, lượng gia cầm kinh doanh hàng ngày tại thành phố Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc – một trong những thị trường nông sản lớn nhất, đã giảm mất 50%.
Thượng Hải – thành phố ghi nhận 13 ca nhiễm virus H7N9 với 5 người tử vong, đã tiến hành tiêu hủy 111.000 con chim, đồng thời ban bố lệnh cấm kinh doanh gia cầm sống cũng như đóng cửa các chợ nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài Thượng Hải, thành phố Nam Kinh và Tô Châu cũng ngừng mọi hoạt động kinh doanh gia cầm sống. Thành phố Hàng Châu tiến hành tiêu hủy gia cầm sau khi phát hiện virus H7N9 trên một con chim cút đồng thời tiêm vắc-xin cho hơn 60.000 chim bồ câu được nuôi nhốt.
Nhật báo Thượng Hải cho biết các hãng hàng không nội địa cũng loại bỏ thịt gà khỏi thực đơn sau lời phản ánh của hành khách.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp vấp phải những vụ bê bối an toàn thực phẩm. Trong đó, một số trường hợp liên quan tới việc nhà sản xuất đưa thêm các thành phần chứa độc tố vào trong sản phẩm, khiến người sử dụng hết sức lo ngại.
Năm 2008, Trung Quốc đối mặt với một trong những bê bối an toàn thực phẩm nghiêm trọng nhất khi phát hiện melamine – một hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm hàng ngày xuất hiện trong sản phẩm sữa, khiến ít nhất 6 em nhỏ thiệt mạng và 300.000 trẻ mắc bệnh.
Cách đây 10 năm, Trung Quốc bị cáo buộc che giấu thông tin về dịch cúm SARS, vốn giết chết 800 người trên toàn cầu. Tuy nhiên, WHO khẳng định Bắc Kinh đã phối hợp chặt chẽ và cung cấp đầy đủ thông tin với tổ chức về dịch cúm H7N9 năm nay.
Hôm 9/4, Indonesia cho biết quốc gia này sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc. Theo giới phân tích, dịch cúm H7N9 có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, song chỉ trong một thời gian ngắn.