"7 thành phố kỳ quan, tôi chọn Hà Nội"
"7 thành phố kỳ quan, tôi chọn Hà Nội"
Trước thành công Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) khẳng định nếu có tiêu chí phù hợp, rất có thể sẽ tiếp tục cuộc bầu chọn 7 thành phố kỳ quan của thế giới.
Lý Nhã Kỳ rạng rỡ mừng chiến thắng của Vịnh Hạ Long
Chùm ảnh tuyệt đẹp về Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long chiến thắng
Ngày 12/11 vừa qua, tổ chức New Open World (NOW) đã tạm thời công bố Vịnh Hạ Long (VHL) của Việt Nam trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Ông đánh giá như thế nào về cuộc bầu chọn này?
Có thể nói, cuộc bầu chọn VHL là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới là cuộc quảng bá hình ảnh quốc gia, xúc tiến Du lịch Việt Nam lớn nhất, lâu dài nhất, có hiệu quả nhất từ trước đến nay mà chúng ta đã từng làm. Thành công ấy đã cho thấy, có hàng chục triệu người đã tham gia bình chọn VHL thông qua internet (email, mạng xã hội), và tin nhắn điện thoại. Riêng hình thức bầu chọn bằng tin nhắn đã có hơn 24 triệu tin nhắn bình chọn cho VHL.
Ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) |
Hiệu quả của cuộc vận động bầu chọn này, tôi đánh giá là lớn, vì bao trùm cả 2 mặt: hữu hình và vô hình. Cụ thể, hiệu quả hữu hình rõ nhất, có thể cân đo đong đếm được là phát triển, tăng trưởng du lịch trong 4 năm vừa qua hết sức ấn tượng. Mỗi năm khách quốc tế đến VN tăng từ 10 – 12%, còn lượng khách trong nước độ tăng trưởng khoảng 20%, và năm sau cao hơn năm trước.
Riêng với VHL, lãnh đạo Sở VH, TT&DL Hạ Long có nói với tôi khi chưa có kết quả rằng, chưa biết VHL có được vào hay không, nhưng qua cuộc bầu chọn thấy được 2 điểm tích cực. Thứ nhất, người dân Hạ Long, Quảng Ninh rất phấn khởi tự hào, nhờ vậy, ý thức giữ gìn di sản tốt hơn.
Nhưng quan trọng hơn, lượng khách du lịch tăng lên một cách ấn tượng. Năm 2010, theo thống kê, riêng khách VN đến VHL đã tăng 25%, đó là hiệu quả rõ ràng nhất.
Còn giá trị vô hình nghĩa là chúng ta chỉ biết, cảm nhận được mà khó đánh giá định tính, định lượng chính là quảng bá hình ảnh đất nước VN thông qua VHL. Những năm đầu chủ yếu là bầu chọn qua internet, trên trang web chính thức của tổ chức NOW. Mỗi người, ngoài địa danh của đất nước mình còn bầu thêm 6 địa danh nước khác.
Để lọt được từ hơn 400 địa danh xuống top 28 địa danh vào chung kết thì lúc nào VHL cũng ở trong top có lượt bầu chọn cao. Như vậy, hình ảnh đất nước thông qua VHL đã được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
4 năm chờ ngày hái quả, chắc hẳn cảm giác khi nhận được thư chúc mừng từ tổ chức NOW với ông sẽ rất khó quên?
Bản thân tôi, được lãnh đạo Bộ VH,TT&DL giao phụ trách bộ phận điều phối, trong suốt quá trình bầu chọn, tôi luôn có niềm tin VHL chiến thắng. Không phải là vu vơ mà dựa trên mấy cơ sở sau: Trước hết, bản thân VHL đã là một địa danh tuyệt vời. Trên thế giới hầu như rất hiếm có địa danh nào được UNESCO 2 lần công nhận.
Cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long có sự ủng hộ nhiệt tình từ giới trẻ |
Và hơn nữa là sự vào cuộc của của các cơ quan ban ngành cùng sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Tất nhiên, cuộc chơi này cũng quá căng thẳng nên những ngày cuối cùng tôi cũng vô cùng lo lắng, bồn chồn. Tôi mấy lần gọi điện sang BTC nhưng họ cũng dứt khoát không nói, thậm chí không nghe máy nên càng khiến mình căng thẳng hơn.
Những ngày cuối cùng trong top 10 địa danh, có tới 4 địa danh thay đổi càng chứng tỏ cuộc bầu chọn ở các nước cũng rất quyết liệt. Theo tôi biết thì ở Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Sam Sung cũng không nằm ngoài cuộc. Rồi Tổng thống Phillipine, Indonesia cũng tích cực với cuộc vận động bầu chọn.
Dù rất tin VHL chiến thắng nhưng thứ tự Top 10 càng về cuối vẫn có sự thay đổi khiến tôi càng thêm phần lo lắng. Phải đến gần 2h sáng 12/11, khi nhận được thư chúc mừng của tổ chức NOW, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là kết quả bước đầu. Ông có lo lắng kết quả chính thức sẽ thay đổi?
Tôi không lo lắng kết quả tiếp theo. Tổ chức NOW công bố 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới dựa trên kết quả kiểm phiếu của họ. Tuy nhiên, là tổ chức tư nhân đứng ra bầu chọn, nên để công minh và khách quan hơn, họ thuê đơn vị kiểm toán độc lập rồi mới công bố chính thức. Quá trình này kéo dài 3 tháng hoặc có thể sớm hơn. Tôi tin kết quả bầu chọn công bằng, chính xác, không có trục trặc gì.
Hà Nội sẽ là ứng cử viên nặng ký cho 7 thành phố kỳ quan |
Thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, và cho rằng cuộc vận động này khá tốn kém. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ không hề tốn kém khi coi cuộc vận động bầu chọn VHL là chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh quốc gia. Chúng tôi chả dại gì mang VHL ra để mua một danh hão. Quan trọng là muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam, xúc tiến du lịch Việt Nam thông qua một điểm đến tiêu biểu là VHL. Vì sao, vì VHL quá đẹp, lại được cả thế giới công nhận.
Chiến thắng của VHL là minh chứng đông đảo người dân cùng bầu chọn, qua đó thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, sự đồng thuận cao trong xã hội. Thêm nữa, điều đó cũng thúc đẩy phát triển du lịch thực sự trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống, ở cả trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Với những thành công ấy, sắp tới Việt Nam có tiếp tục tham gia cuộc bầu chọn 7 thành phố kỳ quan của thế giới của tổ chức NOW nữa hay không?
Thời điểm này, tôi cũng chưa tính đến. Trong thư chúc mừng của tổ chức NOW, họ cũng bày tỏ rất mong các nước ủng hộ, và đề nghị mình tiếp tục tham gia cuộc bầu chọn mới này. Tuy nhiên, họ cũng chưa đưa tiêu chí nào.
Tôi nghĩ phải chờ đến khi NOW sang VN, công bố VHL là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, tôi sẽ yêu cầu họ có thông báo đầy đủ như các điều kiện tham gia. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tính toán có nên tham gia hay không.
Như vậy, có tiêu chí phù hợp Việt Nam sẽ tham gia? Còn cá nhân ông sẽ chọn đề cử nào?
Dĩ nhiên cuộc đua có lợi cho mình thì sẽ tham gia thôi!
Khi chúng ta tổ chức bầu chọn VHL, cơ quan đứng ra trình Chính phủ là Bộ Ngoại giao vì họ thấy được cơ hội rất tốt để quảng bá đất nước. Và Chính phủ yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo quốc gia bầu chọn các kỳ quan thiên nhiên.
Tương tự, ở cuộc bầu chọn 7 thành phố kỳ quan sắp tới, khi NOW sang công bố và trao bằng chứng nhận, trước đại diện các bộ ngành, chúng tôi sẽ trình bày đề án để bàn bạc và quyết định.
Riêng cá nhân tôi, nếu chọn ứng cử viên cho cuộc đua mới, tôi chọn Hà Nội. Tôi đã đi nhiều nơi, cũng như tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, họ chia sẻ rằng rất thích Hà Nội. Họ tìm thấy Hà Nội những nét riêng, quyến rũ. và đặc biệt, Hà Nội là một trong những thành phố hiếm trên thế giới có nghìn năm tuổi.
Nhìn lại chặng đường 4 năm, ông có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì cho các cuộc vận động tiếp theo, nếu có?
Thực ra, cuộc bầu chọn vừa rồi cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm tốt. Như tôi đã nói, đó là cuộc vận động quảng bá lâu dài nhất, hiệu quả nhất mà Bộ VH, TT&DL đã làm từ trước đến nay, tập hợp được sự đồng lòng của các cơ quan quản lý NN, các cơ quan truyền thông, và cả sự đồng thuận của cả xã hội.
Tất nhiên vẫn có tiếng nói trái chiều nhưng đại đa số vẫn là đồng thuận kể cả từ Thủ tướng, Phó thủ tướng, các Bộ ngành liên quan, các cơ quan báo chí, truyền thông... Nếu không có sự ủng hộ của toàn dân thì khó có được kết quả đó.
Nếu như trước kia, các hoạt động từ thiện, ủng hộ qua tin nhắn chỉ kêu gọi được khoảng 1 triệu tin nhắn, thì ở cuộc vận động này, con số hơn 24 triệu tin nhắn là kết quả đầy bất ngờ. Qua đó, thấy rằng việc vận động quần chúng tạo sự đồng thuận hết sức quan trọng. Đặc biệt làm sao huy động được sức trẻ vì cuộc vận động này phần lớn là nhờ sự ủng hộ của tuổi trẻ, thanh niên, HSSV.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Thanh Huyền