6 năm khủng hoảng, ngành hàng thịt lợn vật lộn với ‘bão giá’
Hết khủng hoảng thừa, lại đến thảm họa dịch bệnh
Ở nước ta, chăn nuôi lợn không chỉ giúp gia tăng thu nhập mà còn là kế sinh nhai chính của nhiều hộ gia đình. Bởi thế, trước năm 2017, lợn được giá, người nuôi ồ ạt tăng đàn với hy vọng cuộc sống khấm khá hơn. Song chẳng thể ngờ, đó lại là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa cung lớn nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi.
Thống kê cho thấy, đầu năm 2017, đàn lợn đạt đỉnh 29 triệu con. Khi đó, Trung Quốc siết nhập khẩu thịt lợn qua đường tiểu ngạch khiến mặt hàng này bế tắc đầu ra. Chăn nuôi lợn chính thức “vỡ trận”. Từ 50.000-55.000 đồng/kg năm 2016, sang 2017 giá lợn hơi bắt đầu lao dốc. Đỉnh điểm tháng 4/2017, giá lợn giảm còn 15.000-17.000 đồng/kg; lợn giống 100.000 đồng/con, nhiều nơi "mua 1 tặng 1".
Uớc tính, từ tháng 10/2016 đến tháng 4/2017, người chăn nuôi lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng khi bán 1,6 triệu con lợn.
Để chặn đà giảm giá, giải quyết vấn đề dư thừa, một chiến dịch “giải cứu thịt lợn” lớn nhất lịch sử đã diễn ra. Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn, gửi công văn "cầu cứu" Thủ tướng, hoả tốc kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, người tiêu dùng cả nước ưu tiên ăn thịt lợn để giúp người chăn nuôi vượt khó. Khẩu hiệu “người Việt ưu tiên ăn thịt lợn” được lan tỏa.
Cùng với đó là một loạt giải pháp tình thế như giảm đàn, ngừng nhập khẩu thịt lợn,... nhờ đó chặn đà giảm, giá lợn bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2017. Nhưng, hậu quả để lại là 900.000 hộ chăn nuôi phải treo chuồng, nhiều hộ vướng nợ nần, phá sản.
Cuộc khủng hoảng thừa cung qua đi, người chăn nuôi chưa kịp vui thì dịch lở mồm long móng bùng phát. Thế nhưng, đến tháng 2/2019, thảm họa dịch bệnh tàn sát ngành chăn nuôi lợn mới thực sự xảy ra. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và tồn tại khoảng 100 năm nay, khiến cả thế giới khiếp sợ vì lây lan nhanh nhưng chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Lợn bị nhiễm virus này sẽ chết 100%.
Các chốt kiểm dịch dựng lên khắp nơi cùng các biện pháp quyết liệt “chống dịch như chống giặc”. Đến tháng 9/2019, bệnh dịch lây lan ra khắp 63 tỉnh, thành. Số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, khoảng 6 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ, thiệt hại kinh tế gần 12.000 tỷ đồng.
Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh, giá lợn một lần nữa “chạm đáy”, chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg.
Dù được nhà nước hỗ trợ khi phải tiêu hủy lợn bệnh, nhưng có thời điểm, tại nhiều địa phương, chăn nuôi lợn gần như bị xoá sổ. Người chăn nuôi kiệt sức.
Vật lộn trong vòng xoáy giá
Trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt, đến cuối năm 2019, khủng hoảng thiếu cung đẩy giá thịt lợn lên cao, phá vỡ mọi cột mốc kỷ lục trước đó.
Trước cơn sốt giá thịt lợn chưa từng có, cuối 2019 và đầu năm 2020, người đứng đầu ngành Nông nghiệp nước ta phải tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với các địa phương, các doanh nghiệp để tìm cách bình ổn giá thịt lợn.
Song, giá lợn vẫn tăng phi mã. Tháng 8/2019, giá lợn hơi ở mức 42.000 đồng/kg thì đến tháng 2/2020 vọt lên 90.000 đồng/kg. Một số địa phương ghi nhận giá lợn hơi chạm mốc 100.000 đồng/kg - mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 5/2020. Tại chợ, giá thịt lợn bị đẩy lên 140.000-300.000 đồng/kg.
Thịt lợn từ món ăn bình dân trong cuộc khủng hoảng thiếu cung trở thành mặt hàng đắt đỏ, ảnh hưởng đến túi tiền và bữa cơm của hàng chục triệu gia đình Việt.
Một cuộc “giải cứu” nữa lại diễn ra, nhưng lần này, để kéo giá thịt lợn xuống, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tái đàn, cho phép nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141.140 tấn thịt lợn, tăng 382% so với năm 2019. Ngoài ra, nhập 450.000 con lợn sống từ Thái Lan.
Từ đỉnh 100.000 đồng/kg, những tháng cuối năm 2020, giá lợn hơi giảm về 60.000-70.000 đồng/kg. Điều đáng buồn, giá thịt lợn ngoài chợ, siêu thị mãi không chịu giảm về mức “bình thường mới”, muốn ăn thịt giá rẻ vẫn phải “lên tivi mà mua”.
Đầu năm 2021, ngành chăn nuôi tự tin thông báo đủ nguồn cung thịt lợn. Thế nhưng, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy nghiêm trọng, sức tiêu thụ thịt lợn giảm khiến giá lợn xuất chuồng một lần nữa “rơi tự do”.
Ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), số lợn quá lứa xuất chuồng nhưng chưa bán được khi đó lên đến lên hàng triệu con.
Người nuôi vẫn kỳ vọng, hết giãn cách xã hội giá lợn sẽ bật tăng trở lại. Tuy nhiên, khi dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, giá lợn vẫn lao dốc. Năm 2021, giá lợn hơi xuất chuồng dao động trong khoảng 30.000-45.000 đồng/kg, tức người nuôi chịu lỗ 1-2,5 triệu đồng/con lợn.
Chuyên gia trong ngành nhận định, “lịch sử khủng hoảng giá lợn năm 2017 có thể lặp lại”. Cũng may giá lợn hơi hồi phục từ lỗ thành hoà vốn ngay sau đó. Tháng 7/2022, giá lợn hơi vọt lên 75.000 đồng/kg, người chăn nuôi vui mừng chưa được bao lâu thì giá lại quay đầu giảm.
Đáng nói, từ cuối năm 2020 đến nay, ngành chăn nuôi lợn phải chống chọi với “bão giá thức ăn chăn nuôi”. Mặt hàng này được điều chỉnh tăng liên tiếp 17 lần và nay vẫn neo ở đỉnh. Trong khi đó, giá lợn bấp bênh theo chiều hướng giảm, đáy sau sâu hơn đáy trước. Hiện, giá lợn hơi tụt về mức 46.000-52.000 đồng/kg. Không chỉ hộ dân mà ngay cả doanh nghiệp chăn nuôi cũng thua lỗ nặng.
Rất nhiều giải pháp được đưa ra như: đầu tư vùng trồng nguyên liệu để dần tự cung tự cấp; sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương làm thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành sản xuất. Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), còn cho biết, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã đưa về 0%; chỉ riêng mặt hàng khô dầu đậu tương chịu mức thuế 2% và đang kiến nghị đưa về 0%.
Vậy nhưng, khủng hoảng của ngành hàng giá trị hơn 10 tỷ USD kéo dài 6 năm vẫn chưa chấm dứt. Cả người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều bị cuốn vào vòng xoáy giá. Bài toán phát triển chăn nuôi bền vững để lợi ích 3 bên được hài hoà vẫn chưa có lời giải.
Tâm An