55 người chết mỗi ngày vì bệnh ung thư này: Dấu hiệu cảnh báo bệnh
Ảnh minh họa. |
Bệnh phát hiện muộn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 3 khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao nhất lần lượt là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, Việt Nam cũng là một trong những đất nước nằm trong các khu vực này. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể lên tăng lên vào những năm tiếp theo.
Theo PGS Lê Văn Quảng – Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương, ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm: Suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong cơ thể và tác động bên ngoài môi trường. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, sự nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Nếu có nhiều yếu tố phối hợp với nhau thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
PGS Quảng cho biết hầu hết những trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu. Thông thường, người mắc dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến điều trị sai cách. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như: Ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn.
Trong những thập niên qua, các phương pháp điều trị tây y như: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật tuy có nhiều tiến bộ, giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư phổi tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh này tương đương với 55 người chết mỗi ngày, đây thực sự là những con số đáng báo động.
PGS Quảng nhấn mạnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị u phổi ác tính giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3 - 6 tháng. Căn bệnh u phổi làm cho người mắc bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.
Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư phổi
Ung thư trong nhu mô phổi không gây đau đớn thế nên thường khi bệnh diễn tiến xa mới có các triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng xuất hiện vào lúc chẩn đoán ung thư phổi tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối bướu, của bất kỳ ổ di căn nào cũng như mức độ xâm lấn đến các cơ quan, sự xuất hiện ngẫu nhiên của dấu hiệu tiền ung thư.
Ho nhiều, đây là triệu chứng của 99% bệnh nhân ung thư phổi. Nhiều trường hợp kèm theo khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực.
Đau tức ngực, đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh ung thư phổi. Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay cười nói.
Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng toàn thân như gầy sút nhanh, sút cân nhanh không rõ nguyên do. Đau các khớp xương ở cổ chân, cổ tay, bàn ngón tay, ngón chân.
Đau vai: Hiện tượng này xảy ra khi có một khối u phát triển và chèn lên phần trên của phổi tạo áp lực dẫn đến đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay.
Những người có nguy cơ bị ung thư phổi là người thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá thường xuyên - đối tượng hút thuốc lá trên 25 năm hoặc đã bỏ thuốc lá nhưng chưa được 15 năm. Người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhất là dạng khí. Người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.