500 chuyên gia "mổ xẻ" kỹ thuật mới chống độc và hồi sức cấp cứu
Gần 500 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu (HSCC) và chống độc trong cả nước đã về tham dự với hơn 50 tham luận chuyên ngành sẽ được trình bày trong hai ngày diễn ra hội thảo. Trong đó, báo cáo của Hội HSCC và chống độc Việt Nam cho hay, những năm gần đây chuyên ngành HSCC và chống độc Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đào tạo được nhiều đội ngũ bác sĩ, nhân viên tận tâm, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào điều trị, giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng.
Sự bùng nổ kỹ thuật mới trong hồi sức cấp cứu và chống độc ở Việt Nam đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân - Ảnh: HC |
Theo Giáo sư Vũ Văn Đính, nguyên Chủ tịch Hội HSCC và chống độc Việt Nam, sự bùng nổ các kỹ thuật mới đã cấp cứu kịp thời tính mạng hàng triệu bệnh nhân trong cả nước. Có những kỹ thuật trước kia chỉ dùng cho phẫu thuật tim phổi thì nay đã được áp dụng cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển như ECMO.
Các loại vấn đề như sốc nhiễm khuẩn đã được lọc máu liên tục để lọc cytokin; viêm tụy cấp chỉ cần lọc máu mà không nhất thiết phải mổ. Thông khí nhân tạo cũng có nhiều điểm mới như kỹ thuật mở phổi, APRV, NAVA, Automode, ARDS network… giúp các bác sĩ giành lại mạng sống của nhiều bệnh nhân từ tay tử thần.
Mặc dù vậy, theo Hội HSCC và chống độc Việt Nam, việc triển khai các kỹ thuật mới tại nước ta luôn gặp khó khăn khi vấp phải nhiều vấn đề về giá thành, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân viên… Bên cạnh nhiều thành tựu mới, các hệ lụy về vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện với tình trạng đa kháng sinh gắn liền với việc vệ sinh môi trường luôn là câu chuyện chưa có hồi kết.