50 lính đặc nhiệm Mỹ tới Syria liệu có làm nên chuyện?
Tuyên bố của Tổng thống Obama rằng sẽ triển khai một nhóm nhỏ lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ tới Syria để “cố vấn và hỗ trợ” quân nổi dậy đã làm dấy lên những câu hỏi về việc 50 người này thực sự có thể làm được gì để thay đổi cục diện cuộc nội chiến ở Syria.
Sau cùng, so với các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria gồm quân đội chính phủ, quân đội Nga hay lực lượng phiến quân Hezbollah, Iran, thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS có hàng nghìn binh lính cũng như những cơ sở vật chất cơ bản.
Lực lượng lính đặc nhiệm ít ỏi của Mỹ liệu có làm nên chuyện ở Syria? Nguồn: Alan |
Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã gọi việc triển khai lực lượng đặc nhiệm này giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bang Nam Carolina, cho rằng: “Việc điều quân này sẽ chẳng thay đổi được cục diện”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 50 lính đặc nhiệm này có thể làm được nhiều việc hơn chứ không phải là đội quân “bù nhìn”. Đặc biệt, mục tiêu của họ là hỗ trợ lực lượng đồng minh quân nổi dậy nhằm đạt được thành công vững chắc trong cuộc chiến chống lại IS. “Mặc dù vài chục binh lính Mỹ được coi là một con số khá khiêm tốn nhưng họ cũng có thể hợp tác hiệu quả với các lực lượng nổi dậy trên chiến trường”, Emma Ashford, chuyên gia chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato, Washington, cho biết.
Mỹ hy vọng có thể tăng cường ảnh hưởng cũng như làm đòn bẩy cho các lực lượng nổi dậy, bao gồm cả các chiến binh người Kurd cùng lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA). Theo Nicholas Heras, nhà nghiên cứu Chương trình An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới, hai nhóm này nếu kết hợp cùng nhau có thể tạo ra kết quả hứa hẹn như lấy lại một số ngôi làng dọc biên giới Syria Thổ Nhĩ Kỳ từ lực lượng IS.
Lực lượng FSA và người Kurd đã hình thành một trung tâm liên quân để lên kế hoạch chiến đấu và chứng minh họ có thể tạo nên một đội quân đa sắc tộc hiệu quả kể từ khi FSA hỗ trợ binh lính Kurd bảo vệ Kobane, Syria khỏi sự xâm lược của IS trong năm 2014.
Tuần trước, Josh Earnest, thư ký báo chí Nhà Trắng, nhấn mạnh: “Các lực lượng này không chỉ buộc IS rời khỏi Kobane mà họ còn bắt IS lùi ra khỏi một khu vực rộng lớn hơn. Chúng tôi đã thấy các lực lượng chống đối đạt được một số tiến triển ở khu vực Raqqa, thủ phủ của tổ chức IS ở Syria”. Theo các quan chức Mỹ, các lực lượng đối lập đã lấy lại được khu vực rộng 43 km ở Raqqa.
Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ “có thể cung cấp những kinh nghiệm cần thiết cho các đồng minh”, ông Heras nói. Lính đặc nhiệm Mỹ đã thu được nhiều kinh nghiệm quý giá từ cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Họ có thể đưa ra những chiến lược tiếp cận cuộc chiến cho các lực lượng nổi dậy, cũng như phân tích các tồn tại, những vấn đề vướng mắc trong chiến đấu.
Một mối lo ngại khác được đưa ra là việc Mỹ có thể bảo vệ được lực lượng này đến đâu. Tiến sĩ Ashford cho rằng: “Nhà Trắng nói rằng sẽ không tiến hành nhiệm vụ chiến đấu nhưng những gì mà chúng ta thấy được rằng ở khu vực này bất kỳ chuyến đi nào cũng có thể kết thúc bằng một trận chiến, cho dù họ không có ý định ngay từ ban đầu”.
Bà cho biết thêm: “Tôi chắc rằng lực lượng này có thể giúp bức tranh toàn cảnh ở Syria tốt hơn một chút. Nhưng câu hỏi đặt ra là binh lính Mỹ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nào để đổi lại một chút lợi ích này”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Christian Science Monitor, tờ báo đăng tải những sự kiện đang diễn ra ở Mỹ và thế giới. Tờ báo còn có một mục dành cho tôn giáo trên trang "The Home Forum".