5 yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế Nga năm 2016
Chuyên gia phân tích Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group |
Chuyên gia phân tích Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group chuyên tư vấn rủi ro chính trị đã liệt kê 5 yếu tố sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế Nga năm 2016 và cả thời gian sắp tới như sau.
1. Thiếu sự đa dạng hóa trong chiến lược phát triển kinh tế
Việc đa dạng hóa nền kinh tế là bước đi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của bất cứ nền kinh tế nào. Tuy nhiên trong vòng nhiều năm qua, Kremlin vẫn chủ yếu tập trung vào phát triển các ngành kinh tế được coi là mũi nhọn mà không chú ý đến những doanh nghiệp nhỏ lẻ và trung bình.
Thực tế cho thấy, chính những doanh nghiệp nhỏ và trung bình vẫn đang là nền tảng của bất kỳ nền kinh tế ổn định và được đa dạng hóa tốt.
Trong EU, các doanh nghiệp nhỏ và trung bình đóng góp đến 40% GDP vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên EU, còn ở Nga con số này mới dừng lại ở mức 15%. Đây là con số rất đáng lo ngại đối với tất cả những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh tại Nga.
Hiện nay, thực trạng này vẫn chưa được cải thiện. Tính từ năm 2008 đến năm 2012, số lượng việc làm mới được tạo ra trong mảng kinh tế tư nhân đã giảm đi 300 nghìn chỗ, trong khi đó số lượng công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước lại tăng thêm 1,1 triệu người. Thay vì đa dạng hóa nền kinh tế, Nga lại đang tập trung chủ đạo vào việc phát triển mảng kinh tế nhà nước.
2. Phụ thuộc nhiều vào thị trường dầu mỏ
Hiện giá dầu vẫn đang tiếp tục suy giảm mạnh, hiện về mức dưới 35 USD/thùng. Bên cạnh đó, các nước OPEC (Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ) vẫn tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác dầu hàng ngày nhằm mục đích “tiêu diệt” các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran có thể sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu thùng dầu/ngày.
Trong khi đó, sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ đang ngày càng gia tăng. Nếu như năm 1999, lợi nhuận từ dầu mỏ đóng góp vào doanh thu của nền kinh tế Nga chỉ chiếm chưa đầy 50% thì hiện nay, con số này đã lên đến 68%. Sự phụ thuộc của Moscow vào giá dầu mỏ thể hiện rõ nét đến mức giá dầu cứ giảm 1 USD thì nền kinh tế Nga sẽ thất thu khoảng 2 tỷ USD.
Để cân bằng được ngân sách, Nga cần đến kịch bản giá dầu sẽ chạm mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra thời gian tới.
Đồng Ruble Nga đang mất giá trầm trọng |
3. Tác động từ các lệnh cấm vận
Việc nền kinh tế Nga quá phụ thuộc vào mảng xuất khẩu dầu mỏ (40% doanh thu ngân sách của Nga đến từ việc xuất khẩu dầu mỏ) đã khiến nước Nga đã trở nên trở nên đặc biệt dễ tổn thương bởi các lệnh cấm vận quốc tế.
Hiện nay, khá nhiều mỏ dầu ở Nga đã được khai thác trong thời gian khá dài nên Nga phải mở khai thác nhiều mỏ mới ở các khu vực khó khai thác và các khu vực nước sâu. Do đó, Nga cần phải có các công nghệ mới nhất do các công ty phương Tây cung cấp. Dự kiến trữ lượng dầu từ các mỏ này chiếm đến 15% tổng sản lượng dầu chưa được khai thác và trữ lượng khí chiếm đến 30% tổng trữ lượng dự trữ.
Do đó, rất nhiều chuyên gia cho rằng Nga có thể cần đến sự trợ giúp của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc đang rất cần đến dầu mỏ và khí đốt của Nga nhưng cũng không có đủ công nghệ cần thiết để giúp Nga khai thác dầu khí từ các mỏ “khó nhằn” này.
Theo đánh giá của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những lệnh cấm vận đã khiến nền kinh tế Nga mất đi khoảng 9% GDP.
4. Các vấn đề nội tại của Nga
Năng suất lao động của người Nga hiện bị đánh giá là khá thấp. Trung bình mỗi một giờ làm việc, một công nhân Nga đem lại cho ngân sách 25,9 USD. Trong khi đó, con số này ở Hy Lạp, một quốc gia đang chịu cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng, là 36,2 USD và ở Mỹ là 67,4 USD.
Ngoài ra, tình trạng tham nhũng tràn lan cũng đang “cướp” của nền kinh tế Nga từ 300-500 tỷ USD/năm. Tổ chức Freedom House xếp mức độ tham nhũng tại Nga ở mức 6,75, gần đến mức 7- mức được coi là “trầm trọng”.
Chính thực tế này khiến nhiều người không ngạc nhiên trước vấn nạn những người có học thức, được đào tạo và có tay nghề cao thường ra nước ngoài làm việc. Tư năm 2012-2013 đã có hơn 300 nghìn người Nga ra nước ngoài để tìm kiếm công việc có triển vọng hơn về kinh tế. Con số này gia tăng đáng kể sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, sự kiện khiến phương Tây quyết định áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
5. Thiếu quyết tâm tiến hành cải tổ
Có thể đây mới là vấn đề chính cản trở đến sự phát triển của nền kinh tế Nga. Thông thường, những vấn đề nổi cộm không được giải quyết của nền kinh tế sẽ dẫn đến sự thay đổi tầng lớp lãnh đạo chính trị. Ở một số quốc gia như Hy Lạp, chỉ trong vòng 5 năm đã có đến 5 sự thay đổi thành phần chính phủ.
Tuy nhiên, thực trạng ở nước Nga lại hoàn toàn ngược lại: Suy thoái kinh tế càng làm cho uy tín của Tổng thống Nga Putin được củng cố, thậm chí uy tín của ông Putin còn đạt mức cao kỷ lục (89,9%) trong bối cảnh kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các lệnh cấm vận kinh tế.
Một con số khác cũng rất đáng ngạc nhiên là cho dù có đến 73% người dân Nga không hài lòng với thực trạng kinh tế đất nước nhưng lại có đến 70% người dân Nga ủng hộ cách thức điều hành đất nước của Tổng thống Putin.
Nguyên nhân là do ông Putin đã rất thành công trong việc khơi dậy tâm lý yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho công chúng Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea và quyết tâm chống lại phương Tây. Hiện có đến 63% người dân Nga tự hào về đất nước của mình, trong khi đó con số này năm 2013 chỉ là 29% và năm 2014 là 51%.
Chính sự ủng hộ của đông đảo người dân với chính sách hiện nay có thể là nguyên nhân khiến lãnh đạo nước Nga chưa thực sự quyết tâm trong việc tiến hành các cuộc cải cách cần thiết đối với nền kinh tế Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.