4 quan điểm mạnh mẽ của Putin về Ukraine
Cuộc họp báo cũng là lần đầu tiên Tổng thống Nga phát ngôn chính thức về vấn đề Ukraine kể từ sau các biến cố xảy ra trong tháng Hai. Thông qua cuộc họp báo, ông Putin đã nêu ra 4 quan điểm khá rõ ràng của mình đối với Ukraine. Các quan điểm này cũng được xem như là tiêu chí để Nga xử sự với các bên liên quan là chính quyền lâm thời Ukraine, người dân Crimea, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Tổng thống Vladimir Putin trả lời các nhà báo tại tư dinh Novo-Ogaryovo về các vấn đề liên quan đến tình hình ở Ukraine vào ngày 04/03/2014. |
Không chiến đấu với người dân Ukraine
Ông Putin khẳng định Nga luôn xem Ukraine là anh em và không có ý định chiến đấu với láng giềng của mình. “Chúng tôi không định chiến đấu, và sẽ không chiến đấu với nhân dân Ukraine... Nếu chúng tôi thông qua quyết định đưa quân đội vào thì chỉ mục đích là để bảo vệ người dân Ukraine. Chúng tôi không buộc ai làm nô lệ, ép ai đó làm điều gì”, ông phát biểu trong buổi họp báo.
Ông cho biết, Nga không công nhận chính quyền Ukraine hiện tại, bởi đó không phải là một chính quyền hợp pháp. Ông kết tội chính quyền lâm thời Ukraine được tạo ra từ những “kẻ phát xít mới”, họ đã tiến hành một cuộc đảo chính có vũ trang, cướp chính quyền từ tay tổng thống được người dân bầu - ông Viktor Yanukovych.
Theo đó, ông cho rằng hiện tại Ukraine không có Tổng thống cho tới khi tiến hành một cuộc bầu cử mới.
Đồng thời với khẳng định không chiến đấu chống lại người dân Ukraine, ông Putin cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Kiev trong trường hợp nước này có được một chính quyền hợp pháp. “Nga luôn luôn làm việc mang tính xây dựng với chính quyền Ukraine, dù quan điểm chính trị của họ có thế nào, thì Nga đã làm việc cả với Yulia Timoshenko đấy thôi”, ông Putin chia sẻ trong họp báo.
Tuy vậy, ông Putin cũng đưa ra cảnh báo Ukraine rằng Nga sẽ không trợ cấp giá khí đốt cho quốc gia này nếu không thể trả hết nợ cũ. Đến hết tháng Hai tiền nợ mua khí đốt từ Nga của Ukraine vào khoảng gần 2 tỷ USD.
Không có ý định tách Crimea khỏi Ukraine
Việc Nga cử quân tới khu tự trị Crimea là nhằm bảo vệ Hạm đội Biển Đen cùng với kiều dân Nga sống tại đây. Nga không có ý định sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Tuy vậy, ông Putin cũng nói rằng việc người dân Crimea muốn sát nhập là nguyện vọng của họ, họ được quyền tự do bày tỏ ý kiến cũng như quyết định số phận của mình.
Lính vũ trang không đeo huy hiệu được cho là quân đội Nga bao vây một sân bay quốc tế ở Crimea. |
“Không ai tước quyền tự quyết của dân tộc cả. Chỉ có bản thân những công dân sinh sống tại những lãnh thổ xác định có quyền quyết định số phận của mình”, ông Putin khẳng định.
Ông cũng cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm để Nga đưa quân vào Crimea, tuy nhiên không loại trừ khả năng này. Việc sử dụng tới quân đội là giải pháp bất đắc dĩ, và sẽ tránh mọi cách để điều đó không xảy ra.
Nga đã nhận được lời đề nghị trợ giúp quân sự để bảo vệ người dân từ phía chính quyền khu tự trị Crimea cũng như ông Yanukovych – tổng thống bị phế truất mà Matxcơva xem là tổng thống hợp pháp. Theo ông Putin, binh lính có mặt tại Crimea là để đảm bảo an ninh cho người dân.
“Chúng tôi không định can thiệp, nhưng chúng tôi cho rằng tất cả các công dân Ukraine phải có quyền như nhau trong việc tham gia vận mệnh đất nước và xác định tương lai đất nước này”, ông nói.
G8 – Tham gia hay không là tùy họ
Khi được hỏi về quan điểm của mình với thái độ của phương Tây trong vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga cho biết, mọi sự trừng phạt nếu có đều gây phương hại cho cả hai bên.
Trước đó, các quốc gia Liên minh châu Âu đã từng họp bàn để tìm các biện pháp trừng phạt Nga vì cho rằng sự tham gia của Matxcơva tại Ukraine là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, khối này đã không thể thống nhất được phương hướng do sự phụ thuộc nhất định của các quốc gia thành viên vào Nga, cụ thể là các hợp đồng cung cấp khí đốt.
Tổng thống Putin đã đặt vấn đề cho các quốc gia muốn trừng phạt Nga về những hậu quả của các biện pháp được đưa ra. Theo ông, các nền kinh tế đang phụ thuộc nhau thì những biện pháp trừng phạt có thể gây thiệt hại cho không chỉ Nga mà còn cả chính họ. “Tôi cho rằng những đe dọa đối với Nga là không có tính xây dựng và có hại”, ông cho biết trong cuộc họp báo.
Ông Putin cũng tỏ ra khá bình thản trước những đe dọa của phương Tây cũng như Mỹ về việc sẽ hủy bỏ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển G8. Nga là quốc gia chủ trì hội nghị và sẽ tổ chức nó tại thành phố Sochi, nơi đã diễn ra Thế vận hội mùa đông 2014 vừa qua. “Còn vụ G8, họ không muốn đến thì cũng không cần đến”, ông khẳng định.
Mỹ đang biến đời sống chính trị Ukraine thành “hài kịch”
Tổng thống Nga đã ví các hành động can thiệp của Washington gần đây trong các vấn đề Ukraine là một cuộc “thí nghiệm với chuột bạch” và biến đời sống chính trị ở đây thành “hài kịch”.
"Có cảm giác, người ta ngồi đâu đó ở Mỹ làm thí nghiệm với chuột bạch. Tại sao phải làm điều này? Chẳng có giải thích nào... Đời sống chính trị Ukraine bị biến thành hài kịch. Chúng ta khiến người dân quen với ý nghĩ rằng nếu ai đó có thể vi phạm, thì những người khác cũng có thể. Mà cần điều ngược lại, phải giáo dục xã hội tôn trọng hiến pháp".
Ông lên án hành động của Mỹ ở Iraq và Libya không hề có sự phê chuẩn nào của Liên Hợp Quốc, hoặc đã “làm biến dạng hoàn toàn” các phê chuẩn này. Ông chỉ trích Mỹ sẵn sàng can thiệp vào đâu họ muốn, luôn đặt các mục đích địa chính trị rất rõ ràng và buộc cả thế giới phải nghe theo, những quốc gia không tuân theo thì bị Mỹ chế nhạo.
"Người ta kết tội chúng tôi rằng các hành động của chúng tôi không hợp pháp, nhưng chắc cũng nên nhắc lại các hành động của Mỹ ở Iraq và Libya, nơi họ hành động hoặc hoàn toàn chẳng có sự phê chuẩn nào (của LHQ), hoặc làm biến dạng hoàn toàn các phê chuẩn này. Các đối tác của chúng tôi (Mỹ) luôn luôn đặt các mục đích địa chính trị của mình rất rõ ràng. Rồi sau đó bắt cả thế giới còn lại đi theo mình, còn ai không chịu theo thì họ chế nhạo. Những hành động của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quyền quốc tế, bởi vì chúng tôi có lời đề nghị của tổng thống chính thống, và phù hợp với những lợi ích của chúng tôi, bởi chúng tôi giúp đỡ những người gắn bó với chúng tôi về phương diện văn hóa và lịch sử".
Ông Putin cho rằng việc triệu hồi đại sứ Nga ở Mỹ về nước là biện pháp cuối cùng và chỉ làm khi cần thiết. Ông cũng bày tỏ quan điểm không muốn điều này xảy ra bởi nó phương hại đến các mối quan hệ hợp tác quốc tế.
Kết thúc cuộc họp báo, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng nước Nga sẽ theo dõi một cách chăm chú về quyền của kiều dân Nga trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine được bảo đảm như thế nào. “Cần phải truyền đạt thông điệp này của chúng tôi đến với tất cả các công dân Ukraine, chúng tôi không có kẻ thù ở đó, đó là một quốc gia thân thiện”, ông Putin kết luận.