3 lý do đẩy giá vàng tiếp tục tăng cao tuần này
Giá vàng đã trải qua 1 tuần đầy thăng hoa với thời điểm giá thế giới vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, còn thị trường vàng trong nước vượt mốc 56 triệu đồng/lượng. Theo dự báo giá vàng tuần này sẽ tiếp tục tăng mạnh với 3 yếu tố hỗ trợ.
Trong tuần qua, thị trường vàng trong nước và thế giới đã trải qua 1 tuần đầy thăng hoa khi giá vàng thế giới phá ngưỡng 1.900 USD/ounce và giá vàng trong nước đã vượt mốc 56 triệu đồng/lượng.
3 yếu tố đẩy giá vàng tiếp tục tăng cao vượt mốc 1900 USD/ounce trong tuần này |
Theo đó, giá vàng thế giới ước tăng 5% trong tuần qua. TÍnh từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 25% nhờ chính sách lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương.
Đối với thị trường vàng trong nước, trong tuần qua, các doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng khoảng 5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đỉnh điểm nhất là vào sáng 24/7, giá vàng trong nước đã chính thức vượt mốc 56 triệu đồng/lượng.
Trong tuần qua, giới kinh doanh vàng trong nước phải nới rộng khoảng cách chênh lệch giữa mua và bán lên tới 1,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Đây không phải lần đầu tiên giá vàng biến động mạnh sau những động thái của các ngân hàng trung ương. Trong giai đoạn tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, FED đã mua 2.300 tỷ USD nợ và duy trì môi trường lãi suất gần bằng 0 để thúc đẩy tăng trưởng. Diễn biến này đã khiến giá vàng tăng cao kỷ lục lên 1.921,17 USD/ounce vào tháng 9/2011.
Điều đáng nói là, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì giá vàng tuần này sẽ không dừng ở mức 1.900 USD/ounce mà sẽ vẫn tiếp tục đà tăng mạnh.
Theo phân tích của các nhà kinh tế, trong tuần này, có 3 yếu tố có thể sẽ tác động mạnh khiến giá vàng có thể tăng đột biến.
Thứ nhất là dịch Covid-19 đang gây làn sóng thứ 2 tại Mỹ gây lo sợ tác động đến nền kinh tế Mỹ. Theo đó, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với tổng số người nhiễm tại Mỹ đã vượt mốc 4 triệu và trên thế giới con số này là 15,58 triệu ca.
Và yếu tố duy nhất có thể làm suy yếu đà tăng giá vàng là sự phát triển nhanh chóng của vaccine ngừa COVID-19.
Thứ 2, đồng USD yếu thúc đẩy giá vàng tăng. Và giới chuyên gia kinh tế dự báo, đà tăng giá vàng có thể kéo dài đến năm 2021, khi đồng bạc xanh suy yếu do rủi ro địa chính trị gia tăng trong môi trường lãi suất thấp hơn, dự báo đến cuối tháng 9, giá vàng có thể phá mốc 2.000 USD/ounce.
Yếu tố thứ 3 sẽ hỗ trợ giá vàng tăng, đó là căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng nóng lên. Bằng chứng là trong tuần qua, giá vàng thế giới ước tăng mạnh bởi 1 trong những nguyên nhân chủ yếu được thúc đẩy khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn tồi tệ nhất hàng chục năm qua.
Đặc biệt, động thái mới nhất của 2 nước là sau khi ông Trump cũng vừa đưa ra cảnh báo Washington có thể đóng thêm các lãnh sự quán khác của Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc cũng cho biết sẽ trả đũa.
Ngoài ra, thị trường vàng tuần này tăng còn phụ thuộc vào các yếu tố, đó là cuộc họp chính sách tiền tệ của FED vào ngày 30/7. Theo dự đoán, nhiều khả năng FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%. Tuy nhiên, nếu FED tiếp tục đưa ra quan điểm bi quan về kinh tế Mỹ và cam kết tiếp tục nới lỏng định lượng, thì sẽ tác động tiêu cực đến USD và hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Thứ hai, Mỹ sẽ công bố GDP quý 2 lần đầu cũng vào ngày 30/7, dự kiến giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng như dự kiến, chắc chắn nước này sẽ sớm tung ra gói kích thích tài khóa tiếp theo, đây cũng sẽ là cú sốc tiếp theo đối với USD.
Thứ ba, tuần tới là tuần cuối tháng 7, trong khi trạng thái đầu tư vàng của các quỹ đầu tư đang lãi lớn. Điều này tiềm ẩn rủi ro chốt lời của các quỹ đầu tư để tất toán trạng thái đầu tư. Lịch sử giao dịch của các quỹ đầu tư cho thấy, các quỹ này thường tất toán trạng thái vào cuối mỗi tháng, mỗi quý.
Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng trong nước luôn bám sát giá vàng thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng vẫn giữ ở mức cao từ nay đến cuối năm trong sự bất ổn của toàn cầu, tuy nhiên, trong trung hạn sẽ có ngắn hạn, giá vàng cũng có thể quay đầu nhưng khó có khả năng giảm sâu.
Còn nhiều doanh nghiệp vàng thì chia sẻ, rất khó để đưa ra nhận định về xu hướng tăng giảm của giá vàng trong thời gian này khi sự biến động của giá vàng hiện tại đang bị ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố trái chiều từ dịch bệnh, chiến tranh thương mại và các gói hỗ trợ tài chính của nhiều chính phủ tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.
PV
Giá vàng tăng dựng đứng, có nên mua vàng lúc này hay chờ vàng rơi về 40 triệu?
Khi giá vàng trong nước và thế giới đều đang tăng mạnh thì ai là người được hưởng lợi hơn? Nên mua vào hay bán ra khi giá vàng liên tục nhảy múa và tạo đỉnh mới?