3 lưu ý vàng khi ôn luyện môn Toán thi THPT Quốc gia 2020
Thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ 3 lưu ý khi thí sinh ôn luyện môn Toán chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Tập trung ôn luyện theo đúng lộ trình vạch ra
Đề thi môn Toán THPT Quốc gia bao gồm 90% kiến thức lớp 12 và 10% kiến thức lớp 11.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II năm học 2019-2020, tuy nhiên do tính logic, thống nhất của môn Toán nên việc điều chỉnh này không có quá nhiều sự thay đổi về mặt kiến thức. Do đó học sinh vẫn cần tập trung ôn luyện, học tập nghiêm túc theo đúng lộ trình, kế hoạch đã vạch ra trước đó.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên môn Toán |
Các phần kiến thức thuộc học kì I lớp 12 khá quan trọng, học sinh cần chú ý ôn luyện kiến thức về vận dụng, vận dụng cao ở các chuyên đề: Hàm Số, Mũ – Logarit, Hình Học không gian cổ điển;
Câu hỏi kiến thức học kì II lớp 12 chủ yếu ở cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, ví dụ: Phần số phức, Hình học Oxyz, đây là phần thi giúp học sinh có cơ hội gỡ điểm vì lượng kiến thức không quá khó.
Từ đề tham khảo THPT quốc gia 2020 Bộ GD&ĐT đã công bố, phần vận dụng và vận dụng cao trong đề thi THPT quốc gia chính thức sẽ chiếm khoảng 30%. Các dạng câu hỏi ở phần này thường tập trung ở phần kiến thức học kì I lớp 12, ví dụ: Chuyên đề Hàm Số, Mũ – Logarit, Hình học không gian cổ điển.
Lưu ý với phần Hình học không gian cổ điển
Phần Hình học không gian cổ điển thường gây nhiều khó khăn đối với học sinh do cách tiếp cận học chưa hợp lý, chưa hiểu rõ bản chất của bài toán, từ đó cách tư duy và kỹ năng làm bài gặp nhiều hạn chế.
Trong đề thi môn Toán THPT Quốc gia, phần Hình học không gian cổ điển chiếm khoảng 6-8 câu xoay quanh kiến thức về: Tính khoảng cách, tính góc, tính thể tích khối đa diện, tính thể tích khối tròn xoay, tính diện tích xung quay, diện tích toàn phần của các hình – mặt khối tròn xoay và bài toán về mặt cầu ngoại tiếp khối đa diện.
Ảnh minh họa |
Mỗi dạng câu hỏi đều có những phương pháp giải, hướng tiếp cận được đóng khung. Ví dụ: Dạng toán về khoảng cách, để làm tốt học sinh chỉ cần đưa ra những mô hình mà bài toán thường hỏi và cách dựng hình, xử lý; Các câu hỏi xoay quanh hình – mặt – khối tròn xoay thì học sinh cần nắm được các công thức một cách chính xác.
Để làm tốt phần Hình học không gian cổ điển, các em nên học theo phương pháp chia thành các mô hình bài toán nhỏ, hệ thống kiến thức một cách logic, xâu chuỗi các dữ liệu quan trọng để xử lý các dạng bài tập khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh cần làm nhiều bài tập để rèn luyện thói quen phản xạ, kỹ năng xử lý bài toán chính xác.
Rèn luyện khả năng phản xạ, kỹ năng làm bài
Kỹ năng sẽ biến thành kỹ xảo vì vậy các em nên làm nhiều bài tập để rèn luyện phản xạ, phương pháp làm bài cũng như kỹ năng xử lý các dạng bài toán khác nhau.
Toán là môn học tổng hợp nhiều kiến thức từ các chuyên đề: Hàm số, Số phức, Hình học... Chuyên đề nào cũng có thể dễ mất điểm nếu học sinh học không nắm chắc kiến thức, ôn luyện không có hệ thống. Trong quá trình học tập, học sinh cần hiểu rõ bản chất vấn đề, rèn luyện các kỹ năng làm bài như: Phân bổ thời gian hợp lý; Trình bày bài thi khoa học; Đưa ra dẫn chứng lập luận chính xác thông qua việc làm nhiều bài tập.
Bên cạnh đó, để làm bài tốt bài thi môn Toán cần rất nhiều sự cố gắng, nỗ lực từ phía bản thân. Ngay bây giờ, các em cần chịu khó rèn luyện, làm nhiều bài tập để tăng khả năng phản xạ giải nhanh. Các em có thể áp dụng làm các đề thi thử bằng cách tự bấm giờ để tạo thử thách cho bản thân. Mỗi đề, sau khi hoàn thành, hãy ghi chú lại những câu hỏi hay, lạ, những ý tưởng mới và các phần kiến thức mình còn thiếu sót để kịp thời bổ sung.
Không có công cụ vạn năng nào giúp học sinh đạt điểm cao ngoài sự nỗ lực của bản thân, các em cần xây dựng phương pháp học tập hợp lý cố gắng, chăm chỉ làm nhiều bài tập sẽ khắc sâu được kiến thức, rèn luyện phản xạ xử lý nhanh trước mọi dạng bài. Đó là chìa khóa giúp các em hoàn thành bài thi môn Toán đạt kết quả cao.