3 điều nên làm trong tết Thanh minh 2023
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm ngày tết Thanh minh.
Năm 2023, tết Thanh minh sẽ nhằm ngày 5/4 Dương lịch (15/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.
Ý nghĩa quan trọng nhất của tết Thanh minh là mọi người báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, vào ngày tết Thanh minh, người dân thường đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.
Vào dịp Thanh minh, người già hay trẻ đều ra phần mộ dòng họ để con cháu có trách nhiệm hơn với gia đình, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các thế hệ trước.
Mỗi gia đình có 3 điều nên làm trong tết Thanh minh để cả năm được may mắn, hanh thông:
Tảo mộ
Trong ngày tết Thanh minh, mỗi gia đình nên đi tảo mộ gia tiên, dòng họ. Đây là hoạt động ý nghĩa và quan trọng, không thể bỏ qua.
Công việc chính của tảo mộ chủ yếu là dọn cỏ, quét dọn lại những ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ, rồi sau đó thắp hương, cắm hoa. Nếu gia đình ở xa thì có thể tự lập mâm cúng và thắp hương từ xa gọi là cúng vọng tâm.
Các gia đình nên cho con, cháu nhỏ đi tảo mộ chung. Việc này không chỉ mang mục đích giúp trẻ nắm được vị trí ngôi mộ của gia tiên mà còn học cách viếng mộ, kính trọng tổ tiên.
Người đi viếng mộ cũng nên thắp hương cho những ngôi mộ không người chăm sóc, vô danh để tỏ lòng thành kính.
Dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ
Ngoài tảo mộ, ngày tết Thanh minh, các gia đình cũng nên dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ sạch sẽ, gọn gàng. Theo quan niệm người xưa, việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ như: thay hoa, lau bát hương… thể hiện sự quan tâm chăm sóc và tiếp đón của con cháu đối với ông bà tổ tiên.
Làm lễ cúng tết Thanh minh
Làm lễ cúng tết Thanh minh cũng quan trọng như tảo mộ và dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Mỗi gia đình phải chuẩn bị lễ vật và cũng đúng cách sau khi tảo mộ và cúng tại nhà.
Sau khi dọn dẹp sạch sẽ phần mộ, người viếng bày biện mâm cúng, thắp nhang, cắm hoa và đọc văn khấn mời người đã khuất về hưởng tết Thanh minh cùng con cháu.
Mâm cúng Thanh minh tại nhà thường có một số món ăn như: xôi, gà luộc, canh măng, các món xào… Bên cạnh đó, mâm cúng Thanh minh còn cần thêm trái cây, hoa tươi, trầu cau, vàng mã… Nếu không muốn cúng lễ mặn, mọi người có thể làm mâm cúng chay.
Với những gia đình không nấu cỗ cúng tết Thanh minh, gia chủ có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Ngọc Lài
(Tổng hợp)