24 giờ không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19: Mừng nhưng không nên chủ quan
Bệnh nhân Covid-19 được theo dõi tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Trong khi đó, trên toàn thế giới, tính đến 11h45 ngày 9/4/2020, đã có 1.513.304 người mắc Covid-19 với 88.405 người tử vong, các quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong cao là Hoa Kỳ 430.271 người mắc, 14.738 người tử vong; Tây Ban Nha 148.220 người mắc, 14.792 người tử vong; Italy 139.422 người mắc, 17.669 người tử vong; Đức: 113.296 người mắc, 2.349 người tử vong.
Tại Việt Nam, nhiều người xem việc các ca bệnh giảm là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ lại cho rằng chúng ta đang bước sang giai đoạn khó khăn hơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đó là việc dịch đã có lây chéo trong cộng đồng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết với trường hợp bệnh nhân 243, chúng ta đã ghi nhận có lây nhiễm chéo trong cộng đồng, hoặc như trường hợp 251 tại Hà Nam. Bệnh nhân bị bệnh nền và nằm viện rất lâu và có dấu hiệu sốt, viêm phổi. Hiện ca bệnh này cũng không rõ nguồn lây lan như thế nào.
Bác sĩ Khanh cho rằng ở giai đoạn trước, chúng ta chủ yếu là phát hiện các ca bệnh nhập cảnh về Việt Nam. Những ca bệnh này đã được cách ly nên một ngày lên tới 10 ca cũng không đáng sợ bằng hiện nay xuất hiện 1-2 ca trong cộng đồng, không rõ nguồn lây từ đâu.
Từ bệnh nhân số 91, chúng ta đã tìm ra ổ dịch quán bar Buddha hay từ ca bệnh 133, ngành chức năng đã tìm ra ổ dịch là nhân viên công ty Trường Sinh.
Về việc tìm nguồn lây (F0), bác sĩ Khanh cho rằng đây là việc của những nhà dịch tễ phân tích dữ liệu, còn đối với công tác chống dịch, tất cả vẫn gói gọn ở "cách ly".
Bác sĩ Khanh cho biết 2-3 ngày nay, đường phố đông hơn vì người dân chủ quan rằng ca bệnh đã giảm, điều này rất nguy hiểm. Bác sĩ Khanh cho biết đây là thời điểm dịch lây trong cộng đồng, dù chỉ 1 ca lây chéo cũng có thể trở thành gánh nặng.
Hiện có nhiều người trẻ cho rằng thanh niên trẻ, không có bệnh nền thì không sợ Covid-19 nên vẫn tụ tập, ra đường, đến nơi công cộng. Bác sĩ Khanh cho rằng những trường hợp này cần phải phạt nặng và phải nêu danh để cảnh cáo.
Tại các quốc gia khác, bác sĩ đang đưa ra chiến dịch vận động người trẻ ở nhà để bảo vệ người già và hiện nay, Việt Nam cũng cần thực hiện điều này.
Hiện chưa rõ nguồn lây từ đâu, ai cũng có nguy cơ lây nhiễm như nhau nên việc giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, tụ tập đông người vẫn là biện pháp phòng dịch tốt nhất.
Đối với các cơ quan chuyên môn y tế, bác sĩ Khanh nhấn mạnh cần tập trung bảo vệ các bệnh viện lão khoa, các trại dưỡng lão. Các nước châu Âu, dịch cũng đều “tấn công” vào các trại dưỡng lão.
Các nhân viên y tế ở bất cứ nhà thuốc, bệnh viện nào cũng cần thực hiện đúng biện pháp phòng dịch, mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang…, bác sĩ Khanh nói.