2013 – Một năm đầy thách thức của Đông Nam Á
Tờ The Wall Street Journal (Thời báo Phố Wall) đã có một bài tổng kết về những sự kiện nổi bật nhất của Đông Nam Á trong năm qua.
Bão Haiyan
Toàn bộ miền trung Philippines đã hứng chịu cơn bão lớn nhất chưa từng thấy ở nước này có tên là Haiyan. Cơn bão đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người, 4 triệu người đã phải sơ tán. Bão Haiyan đổ bộ vào Philippines ngày 8/11 tại Guian, một thị trấn ven biển đảo Samar, khoảng 650km về phía nam thủ đô Manila. Viện trợ quốc tế và các tổ chức y tế đã đưa người và hàng cứu trợ khẩn cấp tới nước này sau khi cơn bão đi qua. Hiện Philippines vẫn đang phải đấu tranh để trở lại với cuộc sống bình thường trước đây.
Tố cáo gian lận tại cuộc bầu cử ở Malaysia
Cuộc bầu cử hồi tháng Năm của Malaysia đã rơi vào tranh cãi quyết liệt và những cáo buộc gian lận được đưa ra một cách nhanh chóng sau đó. Hai tổ chức cố vấn độc lập của Malaysia được ban điều tra bầu cử quốc gia bổ nhiệm để giám sát cuộc bầu cử là Viên Kinh tế và Dân chủ và Trung tâm Nghiên cứu chính sách công ở Kuala Lumpur. Họ cho biết đã tìm thấy “những lỗi nghiêm trọng” trong cuộc bầu cử.
Liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền đã giành được 60% số ghế trong quốc hội, mặc dù liên minh đối lập lại đảm bảo đến 51% số phiếu bầu. Thủ tướng tái đắc cử Najib Razak đã bác bỏ những lời cáo buộc. Ông đã bị đặt nghi vấn từ phe đối lập về việc 40.000 người cùng các thông tin bỏ phiếu không rõ ràng đã được chuyển bằng máy bay và rải ra khắp đất nước.
"Việc đó cần đến hàng trăm máy bay. Lấy ở đâu ra chừng đó? ", Ông Najib hỏi.
Khói bụi bao phủ Singapore và Malaysia
Cháy rừng trên đảo Sumatra ở Indonesia đã khiến hai nước láng giềng Singapore và Malaysia bị khói bụi bao phủ vào tháng Sáu. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã phải xin lỗi vì những lớp khói dày đặc ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của các nước láng giềng.
Các đám mây đã đẩy chỉ số ô nhiễm không khí ở cả hai nước lên mức "không tốt cho sức khỏe". Vào ngày 20/6, dữ liệu từ Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore cho thấy chỉ tiêu tiêu chuẩn chất ô nhiễm của thành phố trong ba giờ liền đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 371, vượt qua mức "độc hại" chính thức chỉ định là 301 hoặc cao hơn. Toàn bộ các khu thương mại của Singapore đã bị bao phủ trong sương mù và người dân đã phải mang mặt nạ trên khi đi ra ngoài.
Cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan
Trong tháng Mười, đảng Pheu Thái của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nỗ lực thông qua dự luật ân xá cho phép anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, có thể trở về nước như mộ người tự do. Dự luật ân xá đã gây ra cuộc biểu tình lớn trên đường phố Bangkok. Mặc dù Thượng viện đã bác bỏ dự luật vào ngày 11/11, những người biểu tình vẫn tiếp tục các cuộc diễu hành của họ, yêu cầu bà Yingluck rời khỏi văn phòng của mình.
Vụ bạo loạn hiếm hoi ở Singapore
Một cuộc bạo loạn hiếm hoi đã nhấn chìm Singapore vào đầu tháng 12. Vụ bạo động đầu tiên bùng phát ở quốc đảo sư tử trong hơn bốn thập kỷ sau khi xảy ra một vụ đâm xe buýt và giết chết một người đàn ông 33 tuổi Ấn Độ trong khu Tiểu Ấn. Vụ việc đã khiến một nhóm khoảng 400 công nhân Nam Á tấn công nhắm vào các xe buýt công cộng. Họ cũng đốt xe và tấn công cảnh sát cũng như nhân viên dịch vụ khẩn cấp. Hơn 27 người đàn ông Ấn Độ bị buộc tội sử dụng vũ khí trái phép và sử dụng vũ lực chống lại cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ.
Bê bối “thùng thịt lợn” ở Philippines
Philippines đã chứng kiến một cuộc biểu tình lớn bắt đầu vào hồi tháng Tám sau khi các nhà lập pháp nước này bị cáo buộc lạm dụng tới 220 triệu USD tiền ngân quỹ. Số tiền này, được báo chí địa phương gọi với cái tên “thùng thịt lợn”, được dự định để sửa chữa đường giao thông, xây dựng cầu cống. Một cuộc tranh cãi về “thùng thịt lợn” đã gây ra một cuộc biểu tình lớn, bao gồm cả một phong trào trực tuyến. Philippines đã phải tổ chức một cuộc điều trần điều tra Thượng viện được truyền hình cho dân chúng xem.
Sốt xuất huyết bùng phát ở Singapore
Hồi tháng Mười, Singapore bùng phát một dịch sốt xuất huyết, khiến 7 người chết và hơn 20.000 người nhiễm bệnh được thống kê. Chính phủ đã yêu cầu bổ sung hàng trăm nhân viên y tế rà soát các khu vực sinh sản của muỗi trên đường phố và các hộ gia đình. Sốt xuất huyết cũng từng bùng phát ở nước này năm 2005 khiến 14.006 người bị nhiễm bệnh và 27 trường hợp tử vong. Các nước khác tại Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Malaysia và Lào cũng đã phải chiến đấu khốc liệt với dịch sốt xuất huyết trong năm nay. Tại Malaysia, 88 trường hợp đã tử vong vì sốt xuất huyết tính đến cuối tháng 12, nhiều gấp đôi số ca tử vong được ghi nhận trong năm 2012.
Động đất ở Philippines
Một trận động đất 7,2 độ richter đã làm rung chuyển các tỉnh miền Trung Philippines vào ngày 15/10. Trận động đất đã làm 200 người chết và ảnh hưởng tới hơn 3,4 triệu người ở ba tỉnh miền Trung Bohol, Cebu và Siquijor. Các nhà khoa học cho biết sức mạnh của trận động đất tương đương với 32 quả bom nguyên tử Hiroshima. Ước tính thiệt hại bao gồm đường, cầu, và lũ lụt là 75.200.000 peso (tương đương 1,7 triệu USD).
Bê bối gián điệp mạng
Một vụ bê bối gián điệp đã diễn ra tại các nước Đông Nam Á. Một số quốc gia bày tỏ sự phẫn nộ rằng họ có thể đã bị lợi dụng. Australia bị buộc tội xâm nhập vào điện thoại của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, vợ ông và những người xung quanh trong năm 2009. Indonesia đã triệu tập đại sứ Autralia để "tham vấn", hủy bỏ cuộc tập trận quân sự với nước này và cắt giảm hợp tác với Canberra về những nỗ lực để chống buôn người. Trên tài khoản Twitter chính thức của mình, Tổng thống Yudhoyono nói rằng các cáo buộc gián điệp của Mỹ và Autralia "đã chắc chắn làm hỏng quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia".
Xung đột tôn giáo ở Myanmar
Căng thẳng giữa các Phật tử chiếm đa số và người Hồi giáo tiếp tục ở Myanmar trong năm nay. Trong tháng Ba, tranh chấp trong một cửa hàng vàng đã dẫn đến một cuộc đụng độ, làm ít nhất 40 người thiệt mạng. Những căng thẳng lan sang các thành phố khác, bao gồm cả Yangon. Một cuộc đối đầu nghiêm trọng cũng đã xảy ra vào tháng Tám. Trong tháng 11, một tổ chức nhân đạo đã bị cộng đồng Hồi giáo ngăn chặn không cho di chuyển trong nước. Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 140.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, đang sống tại nhiều nơi trú ẩn tạm thời ở khắp Myanmar.