17 nghìn người mắc ung thư dạ dày: Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh
TS BS. Võ Duy Long chia sẻ về ung thư dạ dày |
Dấu hiệu của bệnh
Theo tổ chức Y tế Thế giới, ung thư dạ dày xếp hạng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp. Tại các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… các phương pháp điều trị được phát triển đa dạng, phân chia thành nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc có nhiều quan điểm điều trị vô hình trung khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tham khảo, lựa chọn phương pháp tối ưu nhất.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất. Năm 2018 có hơn 17 ngàn ca mắc mới và hơn 15 ngàn trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Việc tiến hành sàng lọc và điều trị dự phòng mang lại hiệu quả tích cực bởi ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì vẫn có khả năng điều trị thành công.
Theo TS BS. Võ Duy Long - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tiêu hóa Đông Nam Á, Phó Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM, tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc. Ở giai đoạn này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm).
Tuy nhiên, ung thư dạ dày dấu hiệu thường mơ hồ nên bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.
TS BS. Võ Duy Long cho biết khi có các dấu hiệu dưới đây:
Chán ăn, người bệnh mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ bạn đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra.
Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
Nôn ra máu: khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày. Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.
Tiến bộ trong điều trị tại chỗ
Tại Hội thảo về Điều trị ung thư dạ dày, tổ chức cuối tuần qua ở Đà Nẵng, GS TS BS. Phạm Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết trước tình trạng ung thư dạ dày đang gia tăng nhưng trong thời gian gần đây việc điều trị ung thư dạ dày tại chỗ nối thực quản - dạ dày có rất nhiều tiến bộ.
Trước đây, bệnh nhân bị ung thư dạ dày thường được lựa chọn cắt toàn bộ, về sau thì có xu hướng lựa chọn hóa trị, xạ trị, mổ nội soi hoặc các phương pháp bổ trợ, can thiệp khác. Nhưng hiện nay có nhiều kỹ thuật điều trị tại chỗ khác như mổ bảo tồn.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, gần 20% trên tổng số ca bệnh được chỉ định phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày có thể ứng dụng phương pháp cắt bán phần nhằm bảo tồn chức năng tiêu hóa. Theo TS BS Long, đây là kỹ thuật khó nhưng giúp người bệnh bảo tồn được chức năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất, tránh trào ngược, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật.
Ngoài ra, ứng dụng nội soi trong phẫu thuật cắt dạ dày là chiến lược tương lai để người bệnh không cần phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, nhưng vẫn đạt được kết quả điều trị như mong muốn.
Bác sĩ Long cho biết ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ. Những người có yếu tố nguy cơ sẽ mắc ung thư dạ dày cao hơn, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày; Tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày, đa polyp dạ dày...
Thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày.... Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm khuẩn Helicobater pylori..