1.406 nọc tiêu ở Lộc Quang chết bất thường UBND xã đã đề nghị công an vào cuộc
Thiệt hại là 900 nọc tiêu kinh doanh của ông Nguyễn Hữu Lương ở tổ 7, ấp Việt Quang; 400 nọc tiêu 3 năm tuổi của anh Lâm É ở tổ 8; 106 nọc tiêu 2 tháng tuổi của ông Lê Văn Oanh tổ 1, ấp Việt Tân, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh bị chết. Ông Lương và ông Oanh khẳng định do người xấu “ghen ăn tức ở” hại chết vườn tiêu. Riêng vợ chồng anh Lâm É muốn “bắt đền” doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Hoàng Anh Tính, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Quang cho rằng, các hộ có tiêu chết bị thiệt hại nặng về kinh tế. Nhưng nghiêm trọng nhất là thời điểm này nông dân đang bón phân, xịt thuốc, chăm sóc vườn tiêu nên vụ việc xảy ra gây hoang mang trong nhân dân. Chính quyền xã Lộc Quang đã đề nghị Công an huyện Lộc Ninh và ngành nông nghiệp điều tra để làm rõ nguyên nhân.
XÓA SỔ VƯỜN TIÊU
Đầu tháng 8, trong khoảng 2 tuần, gần 900 nọc tiêu kinh doanh/1.200 nọc tiêu giống Ấn Độ và Vĩnh Linh của ông Lương rụng lá gần hết, cành teo khô. Nhiều nọc sống là cây keo lá vàng rụng, trong đó có cây chết khô. Gần 20 năm trồng tiêu, ông Lương xót xa: “Với thực trạng này, 900 trụ tiêu của gia đình tôi coi như bị xóa sổ, không thể cứu được”.
Ông Lương thường trú tại ấp 9, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh. Vườn tiêu tại Lộc Quang chỉ có một cái chòi nhỏ để cất giữ vật tư, máy móc. Ông Lương cho biết, tháng 10-2014, ông mua 1,4 ha đất, trị giá gần 700 triệu đồng, trong đó có 1.200 nọc tiêu đang kinh doanh. Mùa tiêu 2014-2015, ông thu hoạch được 1,7 tấn. Có kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm và do giá tiêu cao nên năm nay vườn tiêu của ông Lương được chăm sóc tốt làm nhiều người ganh tỵ. Ông dự kiến năng suất mùa này sẽ tăng gấp đôi nếu 900 trụ tiêu không bị chết.
Hộ ông Lê Văn Oanh có 106 nọc/1.900 nọc tiêu 2 tháng tuổi đã bị chết nay mua 13,5 triệu đồng tiền giống để trồng lại cho kịp thời vụ. Thế nhưng, ông Oanh rất lo sợ vì thuốc vẫn còn ngấm trong đất, khi phát hiện các nọc sống là cây keo đã bắt đầu khô lá chết. Để trồng 1.900 nọc tiêu gia đình ông Oanh đã phải bỏ vốn đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng.
NHỮNG DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương và ông Oanh đều khẳng định là đã có kẻ xấu đổ thuốc diệt cỏ lưu dẫn vào nước pha thuốc xịt tiêu nên 1 tuần sau tiêu mới bắt đầu ngả màu vàng, rụng bông, rụng lá, khô thân, cành.
Cuối tháng 7, sau đợt mưa, vườn tiêu bắt đầu ra bông. Theo kinh nghiệm, ông Lương ra đại lý Đoàn The ở chợ Lộc Điền để được tư vấn mua hoạt chất Siêu lân đỏ của Công ty Ngân Long, địa chỉ ấp 2, Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Công dụng là ra bông, đậu trái, chống rụng bông và thuốc trừ sâu Betox 5EC của Công ty Việt Thắng, địa chỉ 398 Sương Giang, Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang. Sau 1 tuần xịt thì ông Lương phát hiện tiêu bắt đầu rụng lá nhanh.
Toàn tỉnh có hơn 400 đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các đại lý kinh doanh phải đủ điều kiện: Người bán hàng phải có chuyên môn để tư vấn cho khách, bán hàng trong danh mục và hằng năm phải tham gia các lớp tập huấn của chi cục.
Thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Lương dẫn chúng tôi xem 300 nọc tiêu cùng diện tích cũng xịt cùng loại hoạt chất trên nhưng rất tốt, trái sai, chuỗi dài. 300 nọc này ông xịt thuốc vào lúc 15 giờ ngày hôm trước. 900 nọc bị rụng lá, khô cành thân là do ông lấy nước trong 2 phuy để qua đêm, sáng hôm sau pha thuốc để xịt. Ngày 5-8, công an xã, huyện, cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện Lộc Ninh và lãnh đạo xã Lộc Quang đã đi thị sát hiện trường, lập biên bản vụ việc. Ông Oanh cũng khẳng định là đã có người phun thuốc diệt cỏ để hủy hoại 106 nọc tiêu mới trồng của gia đình và rất mong công an điều tra làm rõ.
Từ ngày 24 đến 27-7, anh Lâm É đã pha 6 phuy hoạt chất dùng đặc trị sâu nấm, thán thư cho hồ tiêu là DS80 của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang và RE-vu opti của Công ty Quanta (mỗi ngày xịt 2 phuy). Anh Lâm É có kinh nghiệm trồng tiêu từ khi còn ở với cha mẹ và xịt theo hướng dẫn của đại lý Phước Sang ở ấp Việt Quang. Ngoài 400 nọc tiêu nguy cơ bị xóa sổ thì 1.100 nọc tiêu 4 năm tuổi anh xịt 2 ngày khác phát triển bình thường. Tuy nhiên, anh Lâm É khẳng định là không có ai làm hại vì khi xịt thuốc đều trong tầm kiểm soát của vợ chồng và nguyên nhân là do thuốc của công ty. Do đó, vợ chồng anh Lâm É không chấp nhận đề xuất của cán bộ 2 công ty là tư vấn hướng dẫn kỹ thuật xịt và hỗ trợ gia đình phân, thuốc để tiếp tục chăm sóc, phục hồi vườn tiêu.
P.Hà - V.Hùng/Báo Bình Phước