10 vụ tai nạn máy bay bí ẩn nhất thế giới
Theo thông tin mới được Mirror cập nhật, 2 hành khách có mặt trên chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines đã sử dụng hộ chiếu đánh cắp. Trong khi đó, giới chức Malaysia xác nhận chủ nhân của 2 hộ chiếu trên vẫn bình an.
Hải quân Việt Nam đã phát hiện vệt dầu loan trên Biển Đông - bằng chứng đầu tiên cho thấy chuyến bay MH370 đã gặp tai nạn.
10 vụ tai nạn bí ẩn nhất thế giới được Mirror tổng hợp:
Hành trình bay quanh Trái đất dang dở
Nữ phi công người Mỹ Amelia Earhart đã biến mất cùng chiếc máy bay Lockheed Electra hôm 2/7/1937 trên hành trình bay vòng quanh thế giới.
Earhart là nữ phi công đầu tiên thực hiện chuyến bay một mình qua Đại Tây Dương. Tuy nhiên Earhart đã biến mấy đầy bí ẩn gần hòn đảo Howland, nằm giữa Thái Bình Dương.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết xung quanh số phận của Earhart. Nhiều người cho rằng chiếc máy bay do Earhart điều khiển đã hết nhiên liệu và đâm xuống biển.
Song một số người nhận định Earhart là gián điệp của Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt và đã bị bắt tại Nhật Bản.
Trong khi đó, những người khác cho rằng chiếc máy bay của Earhart đã đâm xuống một hòn đảo của Nhật Bản. Tai nạn đã khiến Earhart thiệt mạng và thi thể bị những con cua cát ăn thịt.
Giả thuyết khác nêu ra khả năng Earhart đã sống sót và di cư tới New Jersey sau đó đổi tên và sống một cuộc sống yên bình.
Biến mất khi đang làm nhiệm vụ
Thủ lĩnh ban nhạc Big Band, nghệ sĩ thổi kèn trombon Alton Glenn Miller đã biến mất bí ẩn vào mùa Hè năm 1944.
Ông Miller đã ngủ lại Milton Ernest, gần Bedford vào ngày 14/12/1944. Ngày hôm sau, ông bay tới Paris để tham gia buổi biểu diễn phục vụ quân đội Pháp. Sau khi khởi hành từ trại RAF Tinwood, chiếc máy bay chở nghệ sĩ Ernest đã biến mất trên Kênh đào Anh.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc máy bay chở ông Miller đã “bị bắt lửa” sau khi oanh tạc cơ Lancaster rải bom xuống Siegen, Đức. Lancaster đã rải 100.000 quả bom cháy trên Kênh đào Anh trước khi hạ cánh.
Tuy nhiên, nhà báo Udo Ulfkotte công tác tại tờ Bild của Đức lại đưa ra giả thuyết cho rằng ông Miller đã bay tới Pháp nhưng qua đời sau một cơn đau tim.
Mất tích trên Tam giác quỷ Bermuda
Một phi đội 5 máy bay trong chuyến bay huấn luyện số 19 của Hải quân Mỹ đã mất tích trong một buổi huấn luyện vào ngày 5/12/1945 tại khu vực Tam giác quỷ Bermuda trên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, không một mảnh vỡ nào của 5 chiếc máy bay được tìm thấy.
Một chiếc máy bay khác chở đội cứu hộ gồm 13 người tìm kiếm 5 chiếc máy bay nói trên cũng bị nổ tung. Toàn bộ số người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng. Báo cáo sau này cho biết, chiếc máy bay tìm kiếm mất phương hướng, hết nhiên liệu và phát nổ khi rơi xuống biển.
Tới năm 1984, tại bãi cát miền Bắc Mexico bỗng xuất hiện 5 máy bay kể trên. Thân máy bay vẫn sáng bóng, thùng nhiên liệu vẫn chứa đầy xăng, nhưng trong máy bay không có ai. Sự việc gây ra tranh luận cho tới nay. Song một sự thật là phù hiệu của 5 chiếc máy bay được tìm thấy ở Bắc Mexico chính là 5 chiếc trong chuyến bay số 19.
Đoạn mã bí ẩn
Khi BSAA Star Dust – phiên bản máy bay dân sự của oanh tạc cơ Lancaster đã biến mất trên hành trình từ Buenos Aires, Argentina tới Santiago, Chile.
Chiếc máy bay BSAA Star Dust thuộc sở hữu của hãng hàng không British South American Airways (BSAA) và do phi công nổi tiếng Reginald Cook điều khiển đã cất cánh từ Buenos Aires vào ngày 2/8/1947 hướng tới dãy núi Andes.
Trước khi biến mất hoàn toàn, BSAA Star Dust đã cố gắng truyền đi thông điệp cuối cùng bằng mã Moóc-sơ "STENDEC".
Nhiều giả thuyết cho rằng chiếc máy bay trên đã bị vật thể bay không xác định (UFO) tấn công hoặc một vụ phá hoại có chủ định nhằm tiêu hủy toàn bộ số tài liệu ngoại giao bí mật của một hành khách.
Chiếc máy bay chỉ được phát hiện sau 50 năm khi 2 nhà leo núi Argentina tìm thấy các mảnh vỡ máy bay và quần áo của hành khách.
Lại biến mất trên Tam giác quỷ Bermuda
Chiếc máy bay thứ hai của hãng hàng không BSAA mang tên Star Tiger đã biến mất khi bay từ Santa Maria tại Azores tới Tam giác quỷ Bermuda vào ngày 30/1/1948.
Chiếc máy bay chở 25 hành khách cùng anh hùng Thế chiến thứ Hai, Trung tướng Không quân Anh Arthur Coningham, đã cất cánh trong điều kiện gió to. Chuyến bay thực hiện hành trình dài 12 giờ đồng hồ và bay ở độ cao thấp để tránh thời tiết xấu.
Tuy nhiên, máy bay đã gặp phải một cơn bão khi hướng tới Tam giác quỷ Bermuda trong khi nhiên liệu vẫn đủ để thực hiện hành trình.
Nhiều người cho rằng ở độ cao thấp, những cơn gió mạnh đã thổi tung máy bay và khiến nó rơi xuống biển. Song, nhiều người khác nhận định khả năng đồng hồ đo độ cao gặp lỗi kỹ thuật và phi hành đoàn đã quá mệt mỏi sau chuyến bay dài, nên không thể điều khiển máy bay chính xác và dẫn tới vụ tai nạn.
Con số 191 “chết chóc”
Trong hơn 40 năm qua, con số 191 đã gắn với hàng loạt các vụ tai nạn máy bay.
Một trong những vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất trong lịch sử ngành hàng không Mỹ vào năm 1979 liên quan tới chuyến bay 191. Chiếc máy bay này đã gặp nạn chỉ sau vài phút cất cánh tại sân bay quốc tế O'Hare, Chicago, khiến 285 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn tử vong.
Một tai nạn khác liên quan tới con số 191 là chuyến bay 191 của máy bay thử nghiệm X-15 khiến phi công thiệt mạng.
Năm 2012, chuyến bay 191 của hãng hàng không JetBlue Airways cũng gặp sự cố. Do đó, một số hãng hàng không đã loại con số 191 ra khỏi danh sách.
Tam giác quỷ Bermuda – Tử huyệt của máy bay
Máy bay Star Ariel của hãng hàng không BSAA đã biến mất trên hành trình từ Tam giác quỷ Bermuda tới Jamaica vào ngày 17/1/1949.
Giống như máy bay Star Tiger, Star Ariel cất cánh trong điều kiện trời quang mây nhưng nó đã mất tín hiệu liên lạc với đài kiểm soát.
Ăn xác chết để tồn tại
Một chiếc máy bay của Không quân Uruguay mang theo 45 hành khách và phi hành đoàn đã đâm vào dãy núi Andes do gặp thời tiết xấu sau khi cất cánh từ Montevideo.
Trong số 45 người có mặt trên máy bay, 12 người đã tử vong. Sau đó, 6 người khác qua đời sau vài ngày. 8 người khác bị chôn vùi trong đống tuyết lở khi đang ngồi trong chiếc lều dựng từ các mảnh vỡ của máy bay. Trong khi đó, 16 người còn lại sống sót nhờ ăn xác chết của các hành khách đã qua đời.
Sau 72 ngày xảy ra vụ tai nạn, không ai tìm thấy những người sống sót. Cho tới khi, 2 hành khách thực hiện hành trình đi bộ kéo dài 10 ngày dọc dãy núi Andes. Họ đã may mắn gặp được một người kinh doanh du lịch gốc Chile. Chính anh này đã giúp những người sống sót sau thảm họa rơi máy bay có thức ăn và thông báo với giới chức trách.
Thảm họa được báo trước
Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ tai nạn bí ẩn của chuyến bay 990 của hãng hàng không EgyptAir khi khởi hành từ sân bay quốc tế John F Kennedy vào ngày 31/10/1990 để tới Cairo.
Chiếc máy bay Boeing 767 đã đâm xuống khu vực phía nam Đại Tây Dương bang Massachusetts, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 217 hành khách và phi hành đoàn.
Điều đáng nói, phi công phụ Gamil el-Batouty từng bị lãnh đạo EgyptAir khiển trách về lỗi hành vi sai trái tình dục cũng có mặt trên chuyến bay này.
Trước đó, giám đốc EgyptAir Hatem Rushdy đã nói với el-Batouty rằng đây sẽ là “chuyến bay cuối cùng của anh”. Đáp lại, el-Batouty nói: “Đây cũng sẽ là chuyến bay cuối cùng của ông”.
Khi phi cơ trưởng vào phòng tắm, máy ghi âm trên máy bay đã ghi lại đoạn el-Batouty nói nhỏ rằng: “Con tin Chúa”. Sau đó, el-Batouty đã bật hệ thống lái tự động và để máy bay lao xuống biển.
El-Batouty đã liên tục nhắc lại cụm từ trên khi chiếc máy bay lao nhanh xuống biển. Ngay cả khi cơ trưởng quay trở lại khoang lái, ông cũng không thể cứu được chiếc máy bay và những hành khách vô tội.
Cơ quan An toàn vận tải quốc gia Mỹ tuyên bố tai nạn trên là do lỗi của el-Batouty song không nói tới động cơ của hắn.
Biến mất trên Đại Tây Dương
Chiếc máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air France từ Rio tới Paris mang theo 288 hành khách và phi hành đoàn đã biến mất trên Đại Tây Dương vào năm 2009.
Bản báo cáo cuối cùng về vụ tai nạn trên cho rằng chính những tinh thể đá đóng băng làm nghẽn ống dẫn của máy bay khiến hệ thống lái tự động bị vô hiệu hóa.