10 ưu tiên an ninh hàng đầu của Mỹ trong năm 2014
Vừa qua, Trung tâm hành động phòng ngừa (CPA) của Hội đồng quan hệ ngoại giao Mỹ (CFR) công bố kết quả bản khảo sát đối với 1.200 quan chức chính phủ, các học giả và các chuyên gia về danh sách 20 cuộc xung đột có thể xảy ra hoặc leo thang trong vòng 12 tháng tới.
Các chuyên gia đã xếp hạng các cuộc xung đột này dựa theo mức độ ảnh hưởng của chúng đối với lợi ích của Mỹ và khả năng xảy ra trong năm 2014. Sau đó, CPA phân chia các biến cố này theo 3 cấp độ, theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Những ưu tiên hàng đầu đối với các nhà làm chính sách Mỹ bao gồm cuộc xung đột Syria tính đến nay đã khiến khoảng 2 triệu người bỏ chạy sang quốc gia láng giềng để tị nạn. Liên Hợp Quốc ước tính đến cuối năm 2014, Jordan sẽ cần 5,3 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo bắt nguồn từ cuộc nội chiến Syria.
Trong số các ưu tiên của Mỹ còn có Afghanistan, quốc gia đang trải qua thời kì chuyển giao về chính trị và an ninh trong lúc liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ rút hết quân vào cuối năm 2014 và các cuộc bầu cử đầu năm sau sẽ diễn ra với nguy cơ bạo lực và bất ổn nội bộ gia tăng.
Triều Tiên cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu của Mỹ do nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba trong tháng 2/2013 và Mỹ ước tính nước này có đủ plutonium để chế tạo 5 vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng rất lo ngại về tình hình chính trị bất ổn của Triều Tiên, đặc biệt là sau khi ông Jang Song-thaek, chú của Kim Jong-un, bị xử tử.
Dưới đây là danh sách 10 ưu tiên cấp độ I về an ninh đối ngoại của Mỹ trong năm 2014.
- Nội chiến Syria ngày càng căng thẳng, có khả năng cần tới sự can thiệp quân sự có hạn chế từ nước ngoài.
- Bạo lực và bất ổn ngày càng tăng ở Afghanistan do liên quân rút lui hoặc do các cuộc bầu cử quốc gia đầy tranh cãi.
- Bất ổn chính trị và bạo lực ở Jordan bắt nguồn từ cuộc nội chiến ở Syria.
- Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Triều Tiên bắt nguồn từ những hành động khiêu khích quân sự, bất ổn chính trị nội bộ hoặc các vụ thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa.
- Một vụ tấn công khủng bố gây thương vong hàng loạt lên đất Mỹ hoặc một đồng minh hiệp ước của Mỹ.
- Một vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng then chốt của Mỹ gây đứt quãng nghiêm trọng.
- Thương lượng hạt nhân với Iran đổ vỡ dẫn tới việc hai bên đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau hoặc có dấu hiễu rõ ràng cho thấy Iran có ý đồ chế tạo vũ khí hạt nhân.
- Bạo lực phe phái và bất ổn chính trị gia tăng ở Pakistan.
- Iraq rơi vào nội chiến do bạo lực phe phái Sunni-Shia gia tăng.
- Al-Qaeda củng cố sức mạnh trên bán đảo Ả rập do tình hình chính trị ở Yemen bất ổn hoặc do Mỹ tụt lùi trong hoạt động chống khủng bố.
Căng thẳng Nhật – Trung về tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông thuộc nhóm ưu tiên cấp độ II.
Một số vấn đề mới được đưa vào danh sách này gồm tình trạng bạo lực ngày càng tăng giữa những người theo đạo Phật và những người theo đạo Hồi ở bang Rakhine của Myanmar, bạo lực xung quanh các cuộc bầu cử ở Bangladesh; giao tranh biên giới Trung - Ấn và cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela.