10 tháng, số vụ bác sĩ bị đánh tăng 3 lần
BS Lê Quang Dương bị hành hung tại BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) vào tháng 4/2017. |
Côn đồ lộng hành và những chuyện bạo hành nhân viên y tế đang diễn ra thường xuyên tại các bệnh viện. Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn gửi sang Bộ Công an đề nghị hỗ trợ an ninh bệnh viện và yêu cầu các bệnh viện thắt chặt an ninh nhưng các vụ hành hung bác sĩ vẫn ngày càng nhiều lên.
Theo thống kê chưa đầy đủ của TS Trương Hồng Sơn - Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, chỉ trong giai đoạn 2010 - 2017, có 22 vụ bạo hành cán Bộ Y tế (khoảng 3 vụ/năm). Nghiêm trọng nhất là bác sỹ Phạm Đức Giàu - Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm tử vong ngay trong ca trực ngày 15/8/2011.
Chỉ trong 10 tháng qua, liên tục là các vụ việc với tần suất nhiều gấp 3 lần: Ngày 11/4/2017 tại Tây Ninh, người nhà bệnh nhân sau khi dùng ma tuý tổng hợp đã tấn công bác sỹ đang điều trị cho bố nuôi.
Ngày 16/4/2017, bác sỹ Lê Quang Dương ở BV Thạch Thất (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhân đập cốc thuỷ tinh vào đầu gây chấn thương chảy máu và choáng.
Tiếp đó, ngày 29/4/2017, sinh viên thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên bị người nhà bệnh nhân đấm liên tiếp vào mặt khi đang chuyển bệnh nhân bị tai nạn đi chiếu chụp.
Và ngày 19/6/2017, tại Bệnh viện Y học thể thao, bác sĩ Phạm Đình Vinh bị 2 người đàn ông lao vào đấm, đá liên tục. Sau đó, hai đối tượng này kéo bác sĩ Vinh vào phòng khám tiếp tục hành hung và bắt bác sĩ quỳ xuống xin lỗi.
Ngày 18/8/2017, tại Bệnh viện 115 Nghệ An, một giám đốc doanh nghiệp đi cùng một Chủ tịch phường của TP Vinh đã chửi bới, đấm và tát 1 nữ bác sĩ.
Mới đây, ngày 20/10/2017, chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang trong ca trực bất ngờ bị chém nhiều nhát vào người khiến chị bị đa chấn thương.
Ngày 23/10/2017, bác sĩ Trần Thanh Sơn đang làm nhiệm vụ cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh, khiến bác sĩ Sơn bị bất tỉnh, chảy máu vùng mặt và phải cấp cứu.
Tối 25/12/2017, bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa – Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình trong khi làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân vụ tai nạn giao thông tại huyện Đông Hưng – tỉnh Thái Bình cũng đã bị người nhà bệnh nhân đấm liên tục vào mắt làm gãy xương sống mũi, xước giác mạc, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái, vùng trán.
Đầu năm 2018, ngày 20/2, bác sỹ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của bệnh viện Sản Nhi Yên Bái sau khi làm nhiệm vụ phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân đã bị chính chồng của sản phụ và người nhà hành hung dã man, hành vi phạm tội có tổ chức, gây thương tích nặng cho 2 bác sĩ.
Theo TS. Sơn, các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối bệnh viện liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế.
Thực tế luật pháp không coi thầy thuốc là công chức, viên chức để được hưởng quyền lợi được luật pháp bảo vệ như đang thực thi công vụ. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp, khi người ta mắng chửi, đánh các bác sĩ nhưng các bác sĩ không được từ chối khám chữa bệnh cho họ vì nguyên tắc của ngành y là không được từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh.
TS. Sơn cho biết, Tổng hội Y học đã gửi kiến nghị lên Quốc hội cần chỉ đạo cho xây dựng ban hành Luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có Bộ luật này với các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với các hành vi bạo hành với các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù về sức khoẻ và tinh thần.
Mong muốn hơn nữa là khi Bộ luật ra đời thì Bộ Công an, Bộ Y tế có thêm những văn bản dưới luật để cụ thể hóa điều luật này cho các các cán bộ y tế yên tâm làm việc. Những sai phạm của cán bộ y tế nếu có sẽ bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau, thậm chí buộc thôi việc. Nhưng cán bộ y tế cần được đảm bảo an toàn trong hành nghề và mọi sự xâm phạm, bạo hành cần phải được lên án, xử lý nghiêm minh vì nó vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức.
Bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo, cũng là nơi để người bệnh tĩnh dưỡng.
Khi nhân viên y tế bị hành hung, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến người bệnh khác trong khu vực đó, đặc biệt trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân khác mà bị hành hung sẽ làm gián đoạn công việc, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.