10 bóng hồng "mũ nồi xanh" lên đường vào “chảo lửa” Nam Sudan
10 nữ chiến sĩ của BVDC2.1 |
Mỗi người một vẻ, một cá tính, một hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, nhưng ở họ chung một lòng đem tuổi trẻ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là những nữ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 1 (BVDC2.1) của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
Những cô gái mảnh mai, giản dị, duyên dáng nhưng luôn nỗ lực học hỏi, phấn đấu rèn luyện, không quản khó khăn gian khổ để vượt qua những đợt kiểm tra nghiêm ngặt (từ trong nước và Liên Hiệp Quốc). Họ đã được trang bị tốt về chuyên môn, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng quân sự, khả năng tiếng Anh…
Chị cả của 10 bông hồng “mũ nồi xanh” là Thiếu tá Bùi Thị Xoa (43 tuổi, quê Hải Dương), kỹ thuật viên Nha khoa của BVDC2.1. Chị kể, khi nhận được nhiệm vụ tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, chị vừa vui mừng vừa xen lẫn sự lo lắng, bởi con trai chị đang tuổi dậy thì; lo lắng vì mình đã lớn tuổi sẽ gặp khó khăn trong học ngoại ngữ… nhưng được sự ủng hộ, động viên của chồng con, chị vững tâm hơn để chuyên tâm vào tập luyện.
Những ngày đầu tham gia huấn luyện, vợ chồng chị đã quyết định bán nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai để cả gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống, thuận tiện cho công việc tập luyện của chị. Sau gần 4 năm nỗ lực học tiếng Anh cũng như trải qua các khóa huấn luyện cùng với các đồng đội tại BVDC2.1, chị đã sẵn sàng cho ngày nhận nhiệm vụ của mình. Khi hỏi cảm nghĩ về đất nước Nam Sudan mà chị sẽ đến để nhận nhiệm vụ, chị chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên được xem những bộ phim ngắn về đất nước bạn, thấy cuộc sống của họ thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, trẻ nhỏ thì đói khát như càng tiếp thêm sức mạnh, động lực để chúng tôi sẵn sàng đến giúp đỡ nước bạn”.
Họ là những nữ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên "mũ nồi xanh" đầu tiên của Việt Nam |
Ngoài chị Xoa, một người mẹ cũng sắp sửa tạm xa con gái 12 tuổi để lên đường là Thượng úy Phạm Thị Thu Trang (39 tuổi), trước đây công tác ở Bệnh viện Quân y 4 (Quân đoàn 4). Do hoàn cảnh đặc biệt nên chị nuôi con một mình, những ngày tập trung huấn luyện, chị phải gửi con về Bắc cho ông bà ngoại trông nom. “Lúc đầu tôi hoang mang vì không biết đến đất nước châu Phi xa lạ, đang bất ổn vì nội chiến sẽ thế nào. Trải qua các đợt huấn luyện, giải quyết các tình huống giả định, tôi đã dần yên tâm hơn. Là những người tiên phong làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ, tôi đã hình dung sẽ gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng chắc chắn đó cũng sẽ là những trải nghiệm ý nghĩa không dễ gì có được trong đời” - chị Trang nói.
Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ bác sĩ sản khoa duy nhất của BVDC2.1 có chút lo lắng khi phải xa cậu con trai nhỏ mới 4 tuổi trong suốt một năm, nhưng với tinh thần của một quân nhân, chị đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ mới, dù biết sẽ rất khó khăn và vất vả.
Để đối phó với khí hậu lên tới 50 độ C và lệnh sẵn sàng di chuyển bệnh viện dã chiến, Thiếu úy Phan Thị Vân Huyền (25 tuổi), kỹ thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng BV Quân y 175, cho biết từ sáng đến tối, các bác sĩ, điều dưỡng phải tập dựng và dẹp lều dưới cái nắng oi nồng của TP.HCM. “Được dự báo do quãng đường vận chuyển lương thực ở nước bạn rất khó khăn, có thể mất cả tuần xe hoặc trực thăng mới đến được nơi tiếp tế lương thực nên đoàn đã mang theo lương khô để ăn đỡ trong những ngày này” - chị Huyền kể.
Đặc điểm khí hậu, đất nước Nam Sudan thường xuyên xảy ra dịch bệnh như sốt vàng da, dịch tả, sốt rét, thậm chí là dịch Ebola trong khi đây là những bệnh ở Việt Nam không có hoặc gần như đã bị xóa sổ. Tất cả đội tình nguyện đều được tiêm ngừa phòng bệnh, học kiến thức chữa bệnh và chuẩn bị quần áo bảo hộ để đối phó khi tiếp xúc với nguồn có khả năng lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, do văn hóa đạo Hồi ở Nam Sudan, phụ nữ sẽ thường che mặt và kỵ tiếp xúc với đàn ông nên việc thăm khám cho phụ nữ ở đất nước này phải do bác sĩ, điều dưỡng nữ phụ trách, kể cả khi họ chuyển dạ. Tất cả đều phải thuộc quy tắc xin phép phụ nữ Nam Sudan nếu cần phải cởi bỏ khăn che mặt để khám bệnh.
Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, Việt Nam chọn đóng góp trách nhiệm gìn giữ hòa bình cho LHQ nên chọn gửi lực lượng quân y để thực hiện hoạt động nhân đạo tại Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam đưa lực lượng quân y và bệnh viện dã chiến ra hoạt động độc lập tại nước ngoài. Quá trình chuẩn bị gặp khá nhiều khó khăn do trước nay chưa có tiền lệ. Đội tình nguyện phải trải qua quá trình chuẩn bị lực lượng và sát hạch khắc nghiệt theo tiêu chuẩn của LHQ, bắt đầu từ tháng 4/2014. Đây là thử thách nhưng cũng là vinh dự, trách nhiệm gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam, khẳng định chất lượng bác sĩ quân y đáp ứng yêu cầu của LHQ.
Hành trang của mỗi nữ bác sĩ, điều dưỡng lên đường làm nhiệm vụ là một bộ áo dài in hình trống đồng, hoa sen do Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 tặng. Ngoài những thời gian tập luyện, các nữ quân y thường ca hát, tập các tiết mục dân ca, chuẩn bị các món ăn truyền thống Việt Nam… với mong muốn ngoài chuyên môn quân y, 10 bông hồng của BVDC2.1 có thể để lại hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.