Yêu cầu điều tra lãnh đạo SHB Đà Nẵng trong vụ lạm dụng tín nhiệm
Luật sư vắng mặt vô cớ, hoãn xử nhân viên SHB chiếm đoạt tiền tỉ
Bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo và Giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiển đối mặt tại phiên toà ngày 26/10 - Ảnh: HC |
Tuy nhiên, nếu phiên toà hôm 27/9 bị hoãn chỉ sau vài phút làm thủ tục do luật sư Huỳnh Hoài Nam (Văn phòng LS Giang Nam thuộc Đoàn LS Đà Nẵng) bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo (sinh năm 1982, trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vắng mặt không có lý do thì phiên toà thứ hai dù đã kéo dài suốt từ 8g sáng đến 4g30 chiều 26/10 nhưng cuối cùng vẫn bị hoãn.
Nguyên nhân, là do cơ quan điều tra chưa làm rõ và có kết luận thoả đáng về nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của Giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiển (và một số cá nhân liên quan) trong việc lãnh đạo chi nhánh này sử dụng 22 tỉ đồng của SHB chuyển vào tài khoản cá nhân của người thân bị cáo Dạ Thảo để hợp đồng gửi vào Ngân hàng Nam Việt khai thác chênh lệch lãi suất.
Cáo trạng của Viện KSND TP Đà Nẵng do kiểm sát viên Ngô Phú Quảng công bố tại phiên toà ngày 26/10 chứa đựng nhiều điều cần được làm rõ - Ảnh: HC |
Cáo trạng số 14 (22/8/2012) của Viện KSND TP Đà Nẵng khẳng định điều này là trái với Quyết định 118/QĐ-HĐQT (ngày 3/6/2010) của HĐQT SHB. Ngoài ra, những người này còn có trách nhiệm trong việc lãnh đạo chi nhánh lập chứng từ, hợp thức các thủ tục kế toán phát sinh không phản ánh đúng bản chất sự việc, trái với Luật Kế toán (năm 2003) và vi phạm Điều 7 Nghị định 185/CP.
Tuy nhiên cáo trạng lại cho rằng: "SHB là doanh nghiệp có 88% vốn cổ phần (tư nhân), HĐQT SHB đã có văn bản số 535 (ngày 6/4/2012) đề nghị cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ, nhân viên liên quan, SHB chỉ xử lý nội bộ. Do đó cơ quan điều tra không đề cập đến trách nhiệm hình sự mà sẽ có văn bản đề nghị HĐQT SHB xử lý nội bộ đối với Lê Văn Hiển và các cá nhân có liên quan là có cơ sở".
Tại phiên xét xử ngày 26/10, Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà chủ toạ phiên toà cùng luật sư Huỳnh Hoài Nam đã đặt ra nhiều câu hỏi. Từ đó cho thấy, Giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiển đã chỉ đạo Phó Giám đốc Lê Thị Hồng Phương và các Trưởng phòng liên quan giao nhiệm vụ cho nhân viên thực hiện hành loạt hành vi trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như SHB. Chính vì vậy đã tạo cho bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất lớn của ngân hàng.
Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà, chủ toạ phiên toà, công bố quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung - Ảnh: HC |
Không những thế, mặc dù SHB đã có Quyết định 118/QĐ-HĐQT (phù hợp với quy định chung của NHNN) cấm các chi nhánh sử dụng vốn do Hội sở điều chuyển gửi vào các ngân hàng khác để khai thác chênh lệch lãi suất, nhưng đại diện SHB lại cho rằng đây là sự "vận dung linh hoạt" của Chi nhánh SHB Đà Nẵng trong kinh doanh. Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà bác ngay: "Nói "linh hoạt" chẳng qua là anh dùng câu chữ. Đã có quy định cấm mà vẫn làm là sai chứ không thể nói là linh hoạt được!".
Cuộc hội ý kéo dài đến hơn nửa tiếng đồng hồ khiến nhiều người dự khán dự báo có khả năng phiên toà sẽ bị hoãn. Và điều đó đã trở thành sự thật sau khi thẩm phán chủ toạ phiên toà Lê Thị Ngọc Hà tuyên bố, qua xét hỏi và sau khi hội ý, Hội đồng xét xử nhận thấy có một số vấn đề không thể làm rõ ngay tại phiên toà này.
Giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng tỏ ra rất tâm trạng sau khi Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ những dấu hiệu cố ý làm trái của lãnh đạo Chi nhánh này - Ảnh: HC |
Do đó Hội đồng xét xử thống nhất trả hồ sơ cho Viện KSND TP Đà Nẵng, yêu cầu tiến hành điều tra bổ sung việc tại phiên toà, bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo cho rằng chưa được đối chiếu số tiền thu hồi được cũng như số tiền bị cáo này gây thiệt hại và không chấp nhận số tiền mà Viện KSND TP Đà Nẵng truy tố. Vì vậy cần phải cho bị cáo đối chiếu với Chi nhánh SHB Đà Nẵng. Ngoài ra, trong quá trình xét hỏi, số liệu giữa cáo trạng do Viện KSND TP Đà Nẵng truy tố với số liệu của Chi nhánh SHB Đà Nẵng cung cấp tại phiên toà không trùng khớp với nhau nên cũng cần phải điều tra làm rõ.
Đặc biệt, thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà nhấn mạnh: "Quá trình xét hỏi cho thấy giữa lãnh đạo và các cá nhân có liên quan của Chi nhánh SHB Đà Nẵng tham gia vào chủ trương sử dụng nguồn vốn của ngân hàng SHB, nhờ người thân của các cá nhân nộp vào ngân hàng khác để khai thác chênh lệch lãi suất là trái với quy định của SHB nói riêng và trái với quy định của NHNN nói chung. Đồng thời đã chỉ đạo việc hợp thức hoá các chứng từ kế toán, làm trái với Luật Kế toán. Hành vi trên đây của lãnh đạo và các cá nhân liên quan ở Chi nhánh SHB Đà Nẵng là có dấu hiệu cố ý làm trái, do đó đề nghị điều tra để làm rõ".