Xuất khẩu tăng trưởng nhưng chưa yên lòng
Theo báo cáo, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Xuất khẩu tăng trưởng nhưng chưa yên lòng”.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Xuất khẩu nông sản nước ta vẫn còn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác. Mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng chưa cao, bảo quản chưa tốt, chế biến chưa sâu, chưa có thương hiệu, chưa tạo được chuỗi cung ứng có hiệu quả theo chuỗi giá trị của hàng hóa, khai thác thị trường đã có chiều rộng mà chưa có chiều sâu, xúc tiến xuất khẩu nông sản chưa có những đổi mới phù hợp kịp thời.
Cụ thể, trong thương mại, hiện nay vẫn tồn tại những doanh nghiệp chỉ đóng vai đầu nậu ký hợp đồng tập trung rồi phân bổ cho doanh nghiệp, mà có khi không biết chính xác mặt hàng mình ký hợp đồng trông như thế nào.
“Nông dân bán thóc lúa thấp đổ lỗi do thương lái trung gian mua hàng làm giá nhưng cái gốc là doanh nghiệp được quyền xuất khẩu, họ là người quyết định mua bao nhiêu, được giá nào”, ông nói.
Theo ông, khâu tiêu thụ của chúng ta vẫn theo kiểu truyền thống, nghĩa là có sản phẩm thì thua mua, thu mua rồi đi bán, không chủ động bán hàng, ký kết hợp đồng, xuất khẩu chủ yếu theo con đường tiểu ngạch nên rủi ro cao.
Chính thương mại nhỏ lẻ gây tổn hại lợi ích của người sản xuất và tiêu dùng, như quả dưa hấu người nông dân bán ra chỉ được vài nghìn/kg nhưng đến người tiêu dùng tới 20.000 đồng/kg.
“Chúng ta làm nhiều sản phẩm nhưng không nắm được thị trường tiêu thụ, có hàng rồi mới đi tìm nơi bán nên luôn thất bại, luôn phải bán giá rẻ. Khâu bán hàng càng yếu vì chúng ta không có doanh nghiệp thương mại lớn”, PGS. TS Nguyễn Văn Nam chỉ ra.
Để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, ông cho rằng cần phải tổ chức lại thương mại.
“Ở giai đoạn đầu, chúng ta nhờ hệ thống hàng xay, hàng xáo, tiểu thương để tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng nay bước vào giai đoạn toàn cầu hóa nếu vẫn tiếp tục duy trì hệ thống nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu năng lực kinh tế, kinh doanh, tài chính, pháp lý…dẫn đến phá hợp đồng, thì nền kinh tế cũng loạng choạng, yếu kém”, ông nói
“Chúng ta không thể thỏa mãn với lối xây dựng tổ chức hệ thống thương mại nhỏ lẻ như hiện nay, phải xây dựng những tập đoàn thương mại, doanh nghiệp có thương hiệu, làm ăn đứng đắn mới phát triển bền vững được”, ông Nam nói thêm.
Theo ông, phải xây dựng doanh nghiệp thương mại, bởi doanh nghiệp sẽ điều tiết, dẫn dắt, đặt ra yêu cầu cho sản xuất.
Như Hàn Quốc, chỉ đặt một tiêu chí, ai xuất khẩu được hàng hóa sẽ được Chính phủ hỗ trợ. Chính sách của họ rất đơn giản, không cần nhiều viện nghiên cứu nhưng họ đã xây dựng được nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như ô tô, điện thoại...
“Theo tôi đến bây giờ hệ thống nhỏ lẻ đã bất cập, phải xây dựng hệ thống doanh nghiệp thương mại lớn mạnh, chứ không phải doanh nghiệp làm ăn chụp giật, lập doanh nghiệp kiếm vài quả rồi rút ra khỏi thị trường”, ông nhấn mạnh.