Xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, người Việt uống cà phê = đậu nành + nước mắm
Theo Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt nam (Vinastas), mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 16,7 tỉ ly cà phê nhưng hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh cà phê đang diễn biến khá phức tạp, xuất hiện tình trạng cà phê bẩn, độc, pha trộn lừa dối người tiêu dùng, gây tổn hại đến các thương hiệu cà phê chân chính, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu cà phê Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Vinastas có 47% mẫu cà phê bình dân lấy từ xe đẩy, quán nhỏ, căng tin bệnh viện…có hàm lượng caffeine rất thấp hoặc không có. Ảnh minh họa |
Đặc biệt là công bố mới đây của Vinastas đã khiến người tiêu dùng hoảng hốt.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng Thư ký Vinastas cho biết, cuối tháng 6- đầu tháng 7/2016, Vinastas đã tiến hành cuộc khảo sát hàm lượng caffeine trong cà phê nước cung cấp cho người tiêu dùng ở 4 tỉnh Hà Nội, TP.HCM, Sóc Trăng và Bình Dương.
Vinastas đã lấy 253 mẫu cà phê bằng phương thức mua ngẫu nhiên từ cửa hàng sang trọng cho đến quán cà phê bình dân, căng tin bệnh viện, xe đẩy, người bán rong…
Kết quả cho thấy, có 5 mẫu không hề có hàm lượng caffeine; có đến 1/3 (30,04%) mẫu cà phê có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới1gam/lít).
Đặc biệt, có 47% mẫu cà phê bình dân lấy từ xe đẩy, quán nhỏ, căng tin bệnh viện…có hàm lượng caffeine rất thấp hoặc không có.
“Tôi cho rằng đây là tín hiệu báo động. Trong trường hợp có nguồn kinh phí, sự hỗ trợ của cộng đồng thì chúng tôi có thể khảo sát các chỉ tiêu khác như hàm lượng độc tố, kim loại nặng, nấm mốc…chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều điều”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, việc khảo sát cà phê có hàm lượng caffeine thấp chưa nói lên rằng đó là cà phê bẩn. Tuy nhiên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê phải minh bạch thành phần, bao nhiêu hàm lượng cà phê nguyên chất, bao nhiêu chất phụ gia…Những hóa chất đấy có đảm bảo ATTP, có phải là chất cấm hay không.
“Tình trạng không được cung cấp thông tin đầy đủ về thành phần, chất lượng cà phê đã tước bỏ và xâm hại nghiêm trọng các quyền cơ bản của người tiêu dùng đó là quyền được an toàn, quyền được thông tin và quyền được lựa chọn của người tiêu dùng”, đại diện Vinastas nói.
Đồng quan điểm, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, khảo sát của Vinastas cho thấy tỉ lệ lớn cà phê có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí có 5 mẫu không có caffeine song cũng có thể có nhiều người tiêu dùng lại muốn dùng loại cà phê đã khử caffeine.
“Ở đây, tôi không bào chữa cho những người làm ăn gian dối. Nói về chất lượng phải công khai minh bạch, sản phẩm phải được công bố phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm. Trong cà phê của anh không phải 100% cà phê bột nguyên chất mà sử dụng phụ gia thực phẩm thì phải nói rõ đó là phụ gia thực phẩm gì, có nằm trong danh mục ngành y tế đã ban hành?”, ông Hào cho hay.
Tuy nhiên mới đây đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện một số nơi sử dụng hóa chất không kiểm soát, thậm chí cho cả hương liệu là nước mắm.
Theo ông Vương Ngọc Tuấn, đó là cà phê bẩn, cà phê giả. Có thể do gu của nhiều người thích cà phê đậm đặc, sánh…đã khiến một số đơn vị sản xuất cà phê trộn thêm các chất, cho thêm các thành phần khác vào.
“Những thông tin về cà phê như vậy gây ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Việt Nam. Một đất nước sản xuất cà phê lớn như vậy, tại sao người tiêu dùng lại phải uống cà phê như vậy”, Phó tổng Thư ký Vinastas băn khoăn.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cũng cho hay, lực lượng công an, quản lý thị trường đã vào một số cơ sở sản xuất cà phê, phát hiện một số nơi sử dụng nguyên liệu chế biến cà phê gồm đậu nành, ngô rang cháy trộn vào nhưng sản phẩm công bố lại không có các thành phần khác bổ sung.
Ông cho rằng, việc sử dụng phụ gia thực phẩm nhưng lại trong các can, xô, chai không có nguồn gốc xuất xứ, không có tên tuổi, nhãn mác…là đã vi phạm quy định vệ sinh ATTP. Những cơ sở đó đã có đầy đủ căn cứ để xử lý.
Theo ông Hào, nguyên nhân dẫn đến cà phê bẩn do ý thức trách nhiệm của cơ sở sản xuất kinh doanh với cộng đồng, xã hội, người tiêu dùng.
“Họ không đề cao đạo đức mà ham rẻ, mua hóa chất, phụ gia thực phẩm trôi nổi, thậm chí không được phép cho thêm vào để tạo vị đắng giả, độ sánh giả, màu sắc của cà phê chỉ vì lợi nhuận”, ông Hào nói.
Ông Hào cho biết, về mặt quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hạt, cà phê nhân và các loại cà phê bột, hòa tan 2 trong 1, 3 trong 1, nước chiết cà phê.
Cà phê kinh doanh tại các cửa hàng cà phê nhỏ lẻ, hàng quán cà phê, xe đẩy, cà phê dạo thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Y tế.
Còn sản phẩm cà phê đóng chai, lon uống liền, các sản phẩm chế biến có tiêu chuẩn nhãn mác hợp quy, hợp chuẩn thì thuộc về Bộ Công thương.
"Tôi nói như vậy không phải đổ trách nhiệm cho ai, nhưng mong các đơn vị hỗ trợ, mọi người cùng chung tay, cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước được giao để cùng giám sát việc chấp hành đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ATTP", ông Hào nói.
Trước thực trạng sản xuất kinh doanh cà phê, ông Hào cho biết, thời gian tới Cục sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở rang xay…lấy mẫu giám sát sản phẩm. Những cơ sở không đảm bảo sẽ phải tái kiểm tra, nếu tái phạm sẽ buộc dừng kinh doanh.
Mặt khác, các mẫu cà phê bột, cà phê rang xay sẽ tập trung kiểm tra các chỉ tiêu như: độc tố vi nấm , tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia hóa chất…
Nói về nguyên nhân tồn tại cà phê bẩn, ông Vương Ngọc Tuấn cho rằng ngoài trách nhiệm của người kinh doanh làm ăn không chân chính thì có nguyên nhân thuộc về quản lý.
“Chúng ta có quy định pháp luật nhưng kiểm soát có hiệu quả hay chưa. Ngoài ra, người tiêu dùng đang quá dễ dãi với bản thân, với sức khỏe, tâm lý càng rẻ càng tốt là điều đáng quan ngại”, ông Tuấn cho hay.
Ngày 25/7, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức Lễ ký cam kết “Minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê, bảo vệ người tiêu dùng”. Vinastas kêu gọi các doanh nghiệp, các hộ và cá nhân chế biến, kinh doanh cà phê vì lợi ích lâu dài, nêu cao trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng, cam kết minh bạch thông tin sản phẩm, đảm bảo cung cấp cà phê có chất lượng ra thị trường; góp phần tạo nên uy tín và sự tin cậy của người tiêu dùng với doanh nghiệp và thương hiệu cà phê Việt Nam.
Tại buổi lễ, đại diện các doanh nghiệp cà phê Vinacafé, Nestle Cà phê đã ký vào bản cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê.