Xử vụ “bầu Kiên” cùng đồng phạm: Nhiều luật sư đề nghị hoãn phiên tòa
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Ảnh: Internet) |
Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đã có văn bản đề nghị hoãn phiên tòa, một trong các lý do là chờ kết quả phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như để xác định thiệt hại của Ngân hàng ACB cũng như xác định tội danh cố ý làm trái quy định cùng trách nhiệm dân sự của ông Kiên và người liên quan. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội chưa có thông tin phản hồi các ý kiến đề nghị này.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội. Có khoảng 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó 4 luật sư bào chữa cho “bầu Kiên”.
Khoảng 60 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí được TAND TP Hà Nội cấp thẻ để tham dự đưa tin về phiên tòa xử vụ “bầu Kiên” cùng đồng phạm.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu" Kiên, SN 1964, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB) ra trước tòa án để xét xử về 4 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS; “Trốn thuế”, quy định tại khoản 3 Điều 161 BLHS và “Kinh doanh trái phép”, quy định tại khoản 3 Điều 159 BLHS.
Bị can Trần Ngọc Thanh (SN 1952, nguyên Giám đốc Cty ACBI ) và Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969, nguyên kế toán trưởng Cty ACBI) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS.
Bị can Trần Xuân Giá (SN 1939, nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư), Lê Vũ Kỳ (SN 1956, nguyên phó chủ tịch HĐQT), Trịnh Kim Quang (SN 1954, nguyên phó chủ tịch HĐQT), Phạm Trung Cang (SN 1954, nguyên phó chủ tịch); Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958, nguyên thành viên HĐQT) và Lý Xuân Hải (SN 1965, nguyên Tổng giám đốc). Các bị cáo này bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS.
Theo cáo trạng, từ tháng 6 đến tháng 9/2011 ACB ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718,908 tỉ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt.
Trong đó, hành vi của ông Phạm Trung Cang đã cùng các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.
Ông Cang biết rõ việc ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là chưa có hướng dẫn nhưng không có ý kiến ngăn cản.
Ông Nguyễn Đức Kiên với tư cách là chủ tịch hội đồng đầu tư ACB, phó chủ tịch HĐQT ACB, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB đã thành lập sáu công ty và trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động các công ty này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo HĐQT Ngân hàng ACB có hình thức xử lý hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng Ngân hàng ACB; Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH chứng khoán ACB (Công ty ACBS) và Nguyễn Ngọc Chung, quyền Tổng Giám đốc Công ty ACBS.
Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Ngân hàng nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân liên quan tại các ngân hàng đã nhận tiền gửi từ nhân viên Ngân hàng ACB. Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan nhiều nên Cơ quan điều tra đã có Quyết định tách vụ án hình sự số 06/C46 đối với hành vi nhận gửi tiền vượt trần của các Ngân hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.