“Xử phạt người đưa tin bắt được nàng tiên cá": Cần làm cho tâm phục, khẩu phục!
Sự việc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam xử phạt anh Phạm Đắc Hậu (SN 1988, ngụ thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) số tiền 5 triệu đồng về việc thông tin sai sự thật liên quan đến việc dựng chuyện “bắt được nàng tiên cá” vẫn đang gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi “đưa thông tin lên mạng như thế nào để không bị phạt và xử lý thế nào để người dân yên tâm?".
Để giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về sự việc này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi ông Hiệu Minh, một Blogger nổi tiếng, cựu chuyên gia Công nghệ Thông tin của Ngân hàng Thế giới, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Ông Hiệu Minh, Cựu chuyên gia Công nghệ Thông tin của Ngân hàng Thế giới |
Ông Hiệu Minh cho rằng: “Việc đảm bảo trật tự xã hội, cả trên môi trường mạng, tôi rất đồng tình với việc phải có pháp luật, phải có xử phạt. Internet không phải cái kho, mình muốn nói gì thì nói, đều phải có luật. Việc sử dụng luật như thế nào thì đó là câu chuyện khác”.
Là người sinh sống ở nhiều nước, ông Hiệu Minh đưa ra phân tích: Với vụ việc ở Quảng Nam, theo cách xử lý ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng, phải nên bắt đầu bằng nhẹ nhàng trước, như nhắc nhở. Chứ còn động một cái đã phạt ngay sẽ có tiền lệ không tốt. Người ta sẽ lo ngại, ai cũng có thể bị phạt và bị phạt bất kỳ lúc nào.
Theo ông, có thể đưa ra tòa án để tòa án phán quyết việc này dưới dạng vụ việc dân sự, bên bị hại là số đông dân chúng và người thực hiện hành vi vi phạm. Như vậy, sẽ thấy khách quan hơn, người ta đỡ lo ngại hơn.
"Việt Nam, theo tôi, bấy lâu nay chúng ta làm rất tốt đó là thông qua các đoàn thể địa phương giáo dục, nhắc nhở người đó, trước khi có biện pháp cứng rắn. Cách đó sẽ mềm mại hơn”- ông Hiệu Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hiệu Minh lại cho rằng, phải cân nhắc quyền xử phạt thuộc về ai, việc xử phạt phải căn cứ trên cơ sở của pháp luật. Ở các nước phát triển, việc phán quyết xử phạt, kể cả hành chính đều do tòa án quyết định.
Mặt khác, muốn phạt được cũng phải làm rõ hậu quả. Theo ông Hiệu Minh, không thể chỉ dùng từ chung chung như “gây dư luận không tốt”, làm xáo trộn cuộc sống, trật tự xã hội mà những hậu quả đó phải được lượng hóa hết sức cụ thể. Chẳng hạn như có bao nhiêu người dân phản ánh đến chính quyền rằng “tôi bị ảnh hưởng bởi tin bịa đặt này” hoặc có bao nhiêu người đổ dồn đến xem thông tin này và gây ách tắc đường, khu vực đó bao nhiêu lâu.
“Trong các quy định phải quy định rất rõ, có định lượng, số lượng cụ thể, định tính thế nào là một xáo trộn xã hội. Nếu có hàng ngàn, hàng trăm người đổ dồn vào 1 khu vực, làm ách tắc bao lâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh đó, đó là xáo trộn. Phải có báo cáo cụ thể, phải có nhân chứng”- ông Hiệu Minh nhấn mạnh.
Ông Hiệu Minh cũng cho rằng, việc có đầy đủ báo cáo tác động, ảnh hưởng của những vi phạm không hề gây khó khăn cho chính quyền mà chỉ có thể làm cho việc xử phạt được minh bạch hơn. Người dân sẽ yên tâm hơn và tâm phục khẩu phục.
“Việc làm rất đơn giản, với việc thống kê những cuộc gọi phản ánh khó chịu, phỏng vấn các nhân chứng tại nơi đó về việc ảnh hưởng của thông tin bịa đặt này, chỉ cần một hoặc 2 buổi là có được thông tin”- ông Hiệu Minh góp ý.
Trước câu hỏi của phóng viên, nếu cơ quan chính quyền căn cứ vào việc vì thông tin bịa đặt đó mà có vài hoặc vài chục phóng viên gọi đến chính quyền địa phương để xác minh có coi là “hậu quả”, ông Hiệu Minh cho rằng, nhà báo công việc là tìm thông tin, chính quyền là phải nắm thông tin địa phương để trả lời dư luận thông qua nhà báo. Do đó, đấy là công việc bình thường không có gì ảnh hưởng.
Trước đó, Infonet đã đưa tin, chiều 12/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã công bố Quyết định số 62/QĐ-XPHC về việc xử phạt đối với hành vi "Thông tin sai sự thật đã có hành vi thông tin sai sự thật trong bài viết “Quảng Nam dân chài lưới bắt được nàng tiên cá” trên trang thông tin điện tử quangnamonline.com.vn.
Quyết định này xử phạt hành chính đối với Phạm Đắc Hậu (SN 1988, ngụ thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) số tiền 5 triệu đồng. Căn cứ xử phạt là quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết: "Việc đăng thông tin sai sự thật kể trên đã tạo dư luận không tốt về vấn đề này. Bản thân anh Hậu cũng đã nhận rõ vi phạm này và tự nguyện dỡ bỏ toàn bộ trang web quangnamonline.com.vn".