Xử CNC: VKS khuyến cáo chơi game thế nào để không phạm luật
Chính vì vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong phần luận tội các bị cáo đã nêu khuyến cáo đối với người dân về cách phòng tránh phạm tội khi tham gia các dịch vụ game trên mạng. Khuyến cáo này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tránh cho người chơi không bị vô tình vướng vào lao lý.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, quy định của pháp luật về quản lý các loại hình trò chơi trực tuyến đã đầy đủ, song sẽ có những người chưa hiểu rõ một số khái niệm về thuần phong mỹ tục, văn hóa, đạo đức của dân tộc,… nên pháp luật quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép và quản lý hoạt động này và phải được công khai để người dân biết.
Thông qua việc xử lý vụ án này, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ gửi đến mọi người thông điệp:
Một là, muốn biết trò chơi này có được cấp phép hay không, người chơi cần tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT tại địa chỉ www.mic.gov.vn, hoặc trang thông tin điện tử của Sở TT&TT.
Người chơi cũng có thể tham khảo thông tin tại bảng thông báo tại các cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn để xem Danh sách các trò chơi điện tử G1 đã được cấp, thu hồi quyết định phê duyệt nội dung kịch bản;
Hoặc danh sách các trò chơi điện tử G2, G3, G4 đã thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ; danh sách các trò chơi đã ngừng cung cấp theo quy định tại Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Có rất nhiều bị cáo trong số 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ là những người tham gia chơi game bài trực tuyến. |
Hai là, trong trường hợp chưa tra cứu được danh sách game được cấp phép lưu hành, người xem có thể xem trên màn hình trò chơi có hiển thị nội dung: Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi (18+; 12+; 00+) ở vị trí phía trên, góc bên trái của khung quảng cáo và màn hình thiết bị.
Người chơi cần chú ý khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Khuyến cáo này được hiển thị tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi trong suốt quá trình chơi hay không?
Đồng thời phải lưu ý Điều 4 Thông tư 24 của Bộ TT&TT về phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi:
1. Trò chơi điện tử được phân loại theo các độ tuổi như sau:
a) Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh khiêu dâm;
b) Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người;
c) Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu là 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hình ảnh, hoạt động, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong việc phân loại trò chơi theo độ tuổi:
a) Tự phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi trong hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản đối với trò chơi điện tử G1, trong hồ sơ thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4. Việc phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi là một trong các nội dung được thẩm định của trò chơi điện tử G1;
c) Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi ở vị trí phía trên, góc bên trái của khung quảng cáo và màn hình thiết bị trong khi người chơi sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử.
3. Khi có sở cứ kết luận việc phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi của doanh nghiệp đối với các trò chơi điện tử G2, G3, G4 không phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều này, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại việc phân loại trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc.
Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng cung cấp dịch vụ đối với trò chơi đó và thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi. Sau 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày văn bản nêu trên được ban hành mà doanh nghiệp không dừng phát hành theo yêu cầu, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử.