Xông hơi thảo dược giúp bệnh nhân Covid-19 thư giãn, thanh thoát hơn
Bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ cách ly theo dõi y tế tại nhà có thể xông mỗi tuần 1-2 lần trong thời gian mắc bệnh để trị liệu giúp tinh thần thư giãn, hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi, xoang) và các chứng đau nhức...
Cây cỏ xông hơi cho bệnh nhân Covid-19 |
Xông thảo dược là phương pháp trị liệu truyền thống có từ lâu đời để giải cảm, thông kinh lạc, giải tỏa tinh thần và cải thiện chức năng hô hấp.
Các loại thảo dược thường được dùng để xông hơi thường là những loại chứa tinh dầu thơm. Khi gặp nhiệt độ cao, tinh dầu dễ bay hơi trong thảo dược sẽ lan tỏa khắp không khí. Người ta thường dùng quế, đại hồi, đinh hương, trầm hương, tràm hương, đàn hương, trần bì, bạch truật, thương truật, bồ kết, bạch chỉ, khương hoạt…; các loại thảo dược tươi như hương nhu, ngải cứu, sả, vỏ chanh, vỏ bưởi, lá bưởi, long não, chổi xể, kinh giới, tía tô, ngải cứu… để đun nước xông.
Các phân tử tinh dầu trong các thành phần dược liệu sẽ thông qua khứu giác gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh, điều chỉnh hoạt động của cơ thể thông qua hệ thần kinh.
Với quan niệm sức khỏe tổng thể là sự cân bằng về sức khỏe sinh lý và sức khỏe tâm lý, trị liệu bằng xông thảo dược giúp cân bằng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể một cách tự nhiên. Phương pháp này giúp tinh thần thư giãn, hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang) và các chứng đau nhức...
Đối với bệnh nhân Covid-19 có những biểu hiện ho, sốt, có đờm, sổ mũi có thể sử dụng phương pháp xông hơi để trị liệu làm ấm vùng mũi họng, giảm các triệu chứng hô hấp.
Dùng thảo dược tươi xông giải cảm cũng là phương pháp được dùng nhiều trong dân gian. Các loại thảo dược tươi được dùng tương tự như thành phần của bó lá xông giải cảm bao gồm: Lá sả, lá bưởi, vỏ bưởi, vỏ chanh, hương nhu, cúc tần, ngải cứu, kinh giới, tía tô, long não, lá gừng…
Trước khi xông hơi, bệnh nhân cần kiểm tra huyết áp (nếu quá cao hoặc thấp hơn bình thường cần phải xử trí cho huyết áp ổn định), không được để bụng đói khi xông.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu, rửa sạch, bỏ vào nồi to và đun sôi. Nên xông trong phòng kín để đạt hiệu quả tốt nhất. Đặt nồi nước xông trước mặt, trùm kín người rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được. Hít thở sâu để tinh dầu vào sâu trong hốc mũi, họng và phổi.
Đối với người bệnh cao tuổi, suy nhược cơ thể, mệt mỏi nhiều… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.
Thời gian xông hơi khoảng 10-15 phút. Sau khi xông xong cần lau sạch mồ hôi, tránh gió trực tiếp vào cơ thể. Có thể chắt nước của nồi xông, pha loãng với nước ấm để tắm cũng rất tốt. Lưu ý, sau khi xông, tắm thảo dược bệnh nhân cần lau khô người, mặc quần áo sạch, nằm nghỉ ngơi tránh gió lạnh.
Xông hơi khiến bệnh nhân ra mồ hôi, giúp thải độc. Sau khi xông cần bổ sung tân dịch bằng cách ăn cháo loãng hoặc uống nước dừa, nước ép trái cây, nước chanh mật ong…
Đối với giải cảm thông thường, phương pháp xông thảo dược chỉ cần thực hiện 1-2 lần. Đối với bệnh nhân Covid-19 có thể xông hàng tuần trong thời gian mắc bệnh (đối với những trường hợp thể nhẹ cách ly theo dõi y tế tại nhà), xông mỗi tuần 1-2 lần để trị liệu.
Lưu ý: Bệnh nhân sốt cao không nên xông toàn thân; Ho, sổ mũi, đờm nhiều, sốt nhẹ nên xông mũi họng. Uống rượu bia say, quá no hoặc quá đói, huyết áp cao hoặc thấp không nên xông.
Nếu không chuẩn bị được thảo dược tươi, bệnh nhân có thể dùng thảo dược khô để đun nước xông, thực hiện tương tự như hướng dẫn trên. Ngoài ra, có thể sử dụng nụ trầm, nụ thảo dược, tinh dầu thảo dược để xông toàn bộ không gian phòng, vừa có tác dụng trị liệu cho bệnh nhân, vừa có tác dụng làm sạch không khí, diệt virus và mang lại năng lượng tốt.
Đưa cha vào cấp cứu, nữ bác sĩ tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân Covid-19
Khi cha nhiễm Covid-19, bác sĩ Ng. đã xin vào bệnh viện dã chiến làm việc để chăm sóc ba mình cùng với hàng chục bệnh nhân Covid-19 nặng khác.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam