Xét tuyển bằng học bạ: Làm sao để tăng cơ hội trúng tuyển đại học?
Mùa tuyển sinh đại học 2021, rất nhiều trường đã công bố phương án xét tuyển bằng học bạ. Vậy thí sinh cần làm gì để có thể tăng cơ hội trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ?
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển phương thức học bạ từ 1/3. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thì ở đợt đầu tiên này trường nhận hồ sơ đến hết ngày 25/4 và dự kiến xét tuyển khoảng 40% chỉ tiêu, tức là khoảng 1.400 thí sinh.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quy định thí sinh được chọn tối đa 4 tổ hợp xét tuyển theo phương thức học bạ. Trong trường hợp này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn khuyên rằng thí sinh nên chọn tổ hợp mình có tổng điểm cao nhất để nộp hồ sơ.
Ảnh minh họa |
Còn theo PGS.TS Võ Trí Hảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định thì phương thức xét tuyển bằng học bạ năm nay được khá nhiều thí sinh quan tâm.
Có một điều mà thí sinh cần nhớ khi sử dụng phương thức xét tuyển học bạ là nộp hồ sơ xét tuyển học bạ càng sớm, tỉ lệ đỗ đại học của các em càng cao.
“Tôi nói như vậy bởi lẽ, trong đào tạo, tất cả các thí sinh trúng tuyển vào các trường đều được đào tạo một chương trình giống nhau, một đội ngũ giảng viên như nhau không phân biệt thí sinh trúng tuyển bằng phương thức học bạ hay bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hay bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Nhiều người cho rằng xét tuyển học bạ không đảm bảo chất lượng đầu ra, suy nghĩ này là sai lầm vì tất cả các trường hiện nay đều có xu hướng siết chặt đầu ra với hệ đại học, phải đảm bảo chất lượng mới có thể ra trường. Đó cũng là cách các trường khẳng định vị thế và uy tín của mình với doanh nghiệp tìm nhân lực và với xã hội.
Trường nào không đảm bảo chất lượng sẽ tự đào thải mình ra khỏi lựa chọn của sinh viên vì tất nhiên nếu trường không uy tín sinh viên sẽ không chọn”, PGS.TS Võ Trí Hảo nói.
Năm nay, Đại học Gia Định sẽ xét tuyển 1.500 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Nhà trường vừa công bố danh sách thí sinh đủ điểm xét tuyển vào 16 ngành học theo phương thức xét học bạ đợt 1. Theo đó, thí sinh có điểm trung bình lớp 10, lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 5,5 điểm trở lên đã đủ điều kiện xét tuyển. Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2020 trở về trước sẽ nhận được quyết định trúng tuyển trong tuần tới. Những thí sinh đang học lớp 12 chỉ được công nhận trúng tuyển khi đã tốt nghiệp THPT. Nhà trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đợt 2 từ 2/4.
Năm nay, Trường ĐH Việt Đức cũng sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Bên cạnh điểm trung bình năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, trường còn tính điểm trung bình theo trọng số 6 môn học đạt từ 7,5 điểm trở lên.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên- Phó hiệu trưởng ĐH Việt Đức lưu ý thí sinh khi nộp hồ sơ cần để ý chi tiết trọng số điểm các môn học theo ngành.
Cụ thể, nhóm ngành kỹ thuật và kiến trúc có trọng số 3 môn toán, lý, hóa chiếm 75% và sinh, văn, ngoại ngữ chiếm 25%. Với nhóm ngành tài chính và kế toán, quản trị kinh doanh thì các môn văn, toán có trọng số 67% và 4 môn còn lại chỉ chiếm 33% trong tổng số điểm. Thí sinh cần lưu ý cách tính điểm để tăng khả năng trúng tuyển sớm nhất.
Tuyển sinh trường quân đội năm 2021 có gì mới?
Năm nay, các trường quân đội tuyển 5.000 chỉ tiêu, chỉ có 3 học viện tuyển thí sinh nữ. Thông tin này được Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết.
Hoàng Thanh