Xem lễ hội đâm trâu của người Mạ
Xem lễ hội đâm trâu của người Mạ
Cây nêu – Bức thông điệp cầu an
Mờ sáng, già làng K’Rền đã thức giấc. Ông cất tiếng hú vang dội cả núi đồi báo hiệu ngày hội lễ Sa rơ pu của người Mạ ở hai xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Hôm nay cũng là ngày đặc biệt với ông: Ông được chọn làm chủ tế cho lễ hội Sa rơ pu và cả Nhô rhe (mừng lúa mới) vào dịp cuối năm.
Dựng cột cây nêu
Tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên rộn ràng. Trong lễ đâm trâu, ngoài con vật được hiến tế (trâu) được cột bên cây knưng còn có một “cây linh hồn” khác được gọi là gùng lgang stàng liep (cây nêu).
Với người đồng bào thiểu số, cây nêu có một ý nghĩa lớn trong lễ hội vì nó là bức thông điệp của cả cộng đồng người gửi đến các thế lực siêu nhiên với nội dung cầu an cho dân làng.
Già làng K’Dít cho biết: “Lễ đâm trâu của người Mạ nói riêng và người thiểu số nói chung bao giờ cũng diễn ra với tinh thần cầu an: giữa con người với nhau, cần xóa bỏ hận thù; với Yàng, mong phù trợ cho mùa màng tươi tốt; với thần ác (chà), cầu xin đừng làm hại dân làng, đừng gây nên thiên tai, dịch bệnh.”
Thực tế thì gùng lgang stàng liep là một cây tre già có độ dài chuẩn nhất. Và trên cây tre ấy là “đỉnh nêu” được làm theo hình chiếc phễu có 4 cánh. Hình phễu ấy được chế tạo bởi hàng vạn thanh tre mỏng. Bốn cạnh chiếc phễu là bốn thanh tre mảnh có khắc hình chim thú, cây cỏ được vót vuốt về phía ngọn để có thể uốn cong. Viền xung quanh nó là những sợi chỉ đủ màu sắc. Tất cả được tạo thành hình hoa sen…
Già làng K’Rền sau khi vái tứ phía, ông bắt đầu lấy tiết gà (vật hiến trước khi làm lễ đâm trâu) bôi lên cây nêu – bức thông điệp cầu an đã được gởi đi. Tiếng kèn sừng trâu trầm hùng lại vang xa. Và rồi khi ông mặt trời đỏ rực như hòn lửa ở đỉnh núi phía xa xa kia thì buổi lễ đâm trâu bắt đầu.
Và lễ Sa rơ pu…
Già làng K’Rền cất tiếng hú gọi Yàng sau khi thổi một hơi dài Kenu. Nhịp chiêng sáu vang lên rộn ràng như dẫn đường cho Yàng rừng từ nơi cúng về đến không gian quanh cây nêu.
Chủ lễ miệng gọi thần linh, tay trao xà gạc ăn trâu (loại xà – gạc được dùng trong nghi lễ) vào tay một người đã được chọn từ trước để tiến hành lễ đâm trâu.
Già K’Rền lấy một ít huyết và đem đốt cùng với một nhúm lông trâu để báo lễ với Yàng. Sau đó ông lấy tiết trâu (vật hiến tế) bôi lên những bông lúa được cắm trong ché rượu cần đặt trước cây nêu, rồi bôi lên trán và tay những người tham dự lễ để cầu mong may mắn từ Yàng. Ông cầu nguyện thần linh mang đến sự an lành cho buôn làng, lúa lên đều trong mùa mùa gieo trồng mới, lúa lên xanh bông nhiều, chắc hạt…
Mặt trời dần tắt cũng là lúc hạt lúa cuối cùng đã về đến buôn làng. Đấy cũng là lúc đám trai làng đưa cây gùng glang stàng liep đưa về dựng trong nhà rông. Những ché rượu cần được xếp vòng quanh cây nêu. Bên cây gùng glang stàng liep, những hận thù phải được gột rửa, những hiềm khích phải được xóa bỏ. Cây nêu thực sự đã thay già làng nói rằng, trong cuộc sống này phải có tình yêu thương, phải được con người chúng ta yêu quý như chính con người ta vậy. Máu gà đã được bôi lên cây nêu cũng có nghĩa là chà (thần ác) đã được chia phần.
Thịt trâu được chia cho cả làng cùng ăn. Mọi người cùng trò chuyện, đánh chiêng trống và múa hát. Buôn làng vui như mở hội suốt cả 3 ngày 3 đêm. Vào ngày thứ ba của lễ hội, già làng K’Rền lại cắm một ché rượu nữa để làm nghi thức cúng cuối cùng, xin Yàng cho lễ hội kết thúc…
Hải âu