Xe tuyến cố định sẽ hết thời “núp bóng” xe hợp đồng
Đó là một trong những điều kiện bắt buộc mà dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế nghị định 91, đã được tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện và vừa báo cáo bộ Giao thông vận tải.
Cần sớm công bố lộ trình
Theo báo SGTT: Lý giải cho quy định mới này, ông Trần Quang Bình, vụ trưởng vụ Vận tải pháp chế (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng hiện đang tồn tại quá nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, chỉ một vài xe nên không thể đáp ứng các yêu cầu về điều kiện an toàn giao thông.
“Tất nhiên, quy định này sẽ có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp chuẩn bị, chuyển đổi”, ông Bình nói.
Theo bộ Giao thông vận tải, việc quy định cứng số lượng xe như trên sẽ khiến các nhà xe/doanh nghiệp “tích tụ”, tập trung lại với quy mô lớn nhằm có cơ sở và điều kiện thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn trong vận tải hành khách.
Các nhà xe có thể “đưa” xe vào hợp tác xã dịch vụ để “lách” quy định này dễ dàng. |
Thực tế, kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về vận tải đường bộ tại 18 địa phương mà thanh tra bộ này vừa tiến hành ba tháng trước đã chỉ ra rất nhiều bất cập tại các doanh nghiệp nhỏ. “Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô từ 1 – 3 xe chiếm tới 50% lượng doanh nghiệp vận tải và tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ diễn ra rất phổ biến tại các doanh nghiệp có quy mô như thế”, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay. Theo ông Trường, phần lớn các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện để quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông. “Kiểm tra vừa rồi cho thấy các doanh nghiệp, các nhà xe có quy mô nhỏ, từ 1 – 3 xe không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông, hoặc có bộ phận theo dõi nhưng không hoạt động theo quy định”, ông Trường nhận xét.
Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, cũng cho rằng, doanh nghiệp dứt khoát phải đủ lớn để có bộ máy điều hành tập trung, có thể ứng dụng các tiến bộ về quản lý, khoa học công nghệ, an toàn giao thông. “Theo tôi, quy định số lượng càng nhiều càng cần thiết. Thậm chí phải là tối thiểu 20 xe/doanh nghiệp chứ không chỉ 10 như dự thảo. Và không chỉ vận tải hành khách mà vận tải hàng hoá như container cũng cần phải quy tụ, liên kết lại, không thể để manh mún như hiện nay”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện nay các nhà xe có thể “đưa” xe vào hợp tác xã dịch vụ để “lách” quy định này dễ dàng, trong khi hợp tác xã cũng không quản lý được nhà xe. “Luật hợp tác xã mới thông qua năm ngoái, không thể sửa ngay. Vì thế quy định này phải hướng dẫn cụ thể, ràng buộc các điều kiện làm sao để không bị nhà xe “vô hiệu” bằng cách lách luật. Và quan trọng hơn, cần sớm đưa ra lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị”, ông Thanh băn khoăn.
Xe tuyến cố định sẽ hết thời “núp bóng” xe hợp đồng
Một quy định khác cũng rất đáng chú ý tại dự thảo nghị định này là việc siết chặt hoạt động của xe hợp đồng. Cụ thể, nhà xe và lái xe hợp đồng không được đón thêm khách ngoài danh sách, không được đón trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng và trường hợp chở với hành trình từ 100km trở lên thì phải mang theo hợp đồng và danh sách hành khách. “Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức, không được tổ chức hoạt động vận tải theo tuyến cố định”, điều 7 của dự thảo quy định. Quy định này cũng được áp dụng với loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch. Phó tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền, thừa nhận: hiện nay còn nhiều đối tượng xe dù lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch để đón khách trái quy định. “Việc tồn tại nhiều tuyến vận chuyển khách du lịch, xe hợp đồng hoạt động theo hình thức như tuyến cố định, cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình vận tải khác, không vào bến đón khách, gây mất an toàn giao thông. Vì thế, rất cần các quy định như trên để quản lý chặt chẽ loại hình vận tải này”, ông Quyền nói.