Xe công cũng “xử”
Xe công cũng “xử”
Theo ĐB Dương Trung Quốc việc thực hiện các hành vi vi phạm trật tự giao thông nhằm mục tiêu chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Trong đó hai loại hình vận tải hành khách và hàng hóa đang để lại những hậu quả nặng nề nhất. Xe khách gây tai nạn, xe tải nặng gây phá đường nghiêm trọng.
ĐB Dương Trung Quốc đề xuất phải yêu cầu DN vận tải đền bù, thậm chí tạm giữ xe đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Đối với chế tài xử phạt, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, cần xử phạt mạnh hơn nữa mới đảm bảo tính răn đe. Đối với hanh vi đua xe trái phép, nhất là đối với học sinh sinh viên cần tịch thu phương tiện chứ không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt tiền.
ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng, báo cáo của Bộ GTVT tập trung quá nhiều vào phương tiện ô tô cá nhân (xe biển trắng) với 600 nghìn chiếc. “Xe biển tranh hiện nay rất nhiều. Nếu chỉ tập trung đánh vào xe biển trắng, như thế sẽ không công bằng. Vì thế cần phải thống kê xem có bao nhiêu xe công vi phạm luật giao thông” – ĐB Quốc nêu vấn đề.
Đồng tình với nhiều ý kiến đưa ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng kiến nghị tăng mức xử phạt, ngoài ra có thể tịch thu phương tiện đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh LD |
Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Không có chuyện phân biệt đối xử giữa xe công và xe tư. Dù là xe biển trắng, hay biển xanh thì mọi người vẫn phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Thực tế đã từng có những cán bộ vi phạm luật giao thông bị xử lý, thậm chí bắt tạm giam. Chúng tôi sẽ trao đổi với ngành công an thực hiện nghiêm trong việc xử phạt để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”.
Tại buổi làm việc sáng nay, ba đại diện của ba tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cũng đưa ra báo cáo và kiến nghị trong việc xử phạt vi phạm giao thông để giảm nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông trên địa bàn trong thời gian qua chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, uống rượu bia khi tham gia giao thông… Đặc biệt trong năm 2011 Hà Nội đã xử lý 41 trường hợp chống ngươi thi hành công vụ.
Để hạn chế ùn tắc tai nạn giao thông, ông Khôi cho biết thời gian tới sẽ xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông quá tải, xây dựng bãi đỗ xe, cầu vượt cho người đi bộ, xử lý các điểm đen… Bên cạnh đó sẽ phát triển vận tải công cộng, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.
Ông Khôi cũng kiến nghị cần ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung quyền sử dụng phạt hành chính đối với các hành vi vi phạp trật tự an toàn giao thông.
Đại diện UBND TP HCM thì cho rằng, tình trạng đua xe trái phép còn gây bức xúc lớn, thực trạng này đã xảy ra nhiều năm, dù đã thực hiện xử phạt nhưng không hết và vẫn còn tái diễn liên tục.
“Trong luật quy định nếu là đua xe phải có tổ chức, xe đua phải có điểm đầu và điểm cuối. Nhưng các đối tượng đua xe lại không ấn định điểm đầu cuối, nếu ra pháp luật thì không thể xử phạt. Việc xử phạt, giữ xe như quy định hiện hành cũng không đủ sức răn đe. Nhưng khi TPHCM tăng mức xử phạt, tình trạng đua xe trên địa bàn đã giảm 78%”.
Vị đại diện này cũng kiến nghị nghị tịch thu xe đối với các hành vi đua xe trái phép.
Đồng tình với các ý kiến đưa ra, đại diện phía Đà Nẵng cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung tăng mức xử phạt và tăng thẩm quyền xử phạt cho các lực lượng làm nhiệm vụ.
Nguyễn Dũng