Xâm hại tình dục trẻ em được coi là trọng tội ở nhiều nước
Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam Lê Hồng Loan cho biết, trên thế giới có khái niệm về quấy rối tình dục khi người này có những hành vi, lời nói mang tính kích dục mà không được người kia cho phép hoặc khiến người kia khó chịu.
Giữa ‘nựng’ và ‘dâm ô’ hay quấy rối tình dục cũng cần có quy định và giới hạn rõ ràng. Hành vi ‘nựng’ là để bày tỏ tình yêu thương và được bên kia chấp nhận. Hành vi dâm ô mang tính quấy rối tình dục.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam |
Hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi dâm ô trẻ em. Điều 146 bộ luật Hình sự (BLHS) có quy định khung hình phạt đối với tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.
Dâm ô có thể được hiểu là hành vi có tính chất dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của người thực hiện hành vi mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác. Biểu hiện của hành vi này thường là đụng, chạm, sờ mó vào khu vực nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân.
Trọng tội xâm hại trẻ em
Theo bà Loan, ở nhiều nước, xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng được coi là trọng tội.
Tại một số bang ở Mỹ, sau khi chấp hành án phạt tù, người có tiền án xâm hại tình dục trẻ em còn chịu sự quản lý, thậm chí vĩnh viễn, thông qua việc được đưa vào danh mục tội phạm tình dục. Kẻ phạm tội bị gắn chíp điện tử, phải khai báo khi di chuyển đến địa điểm khác, sống tập trung tại một khu vực riêng và không được làm các công việc có tiếp xúc trực tiếp với trẻ em.
Bà Loan cho rằng, pháp luật Việt Nam vẫn còn một số lỗ hổng và thiếu quy định rõ ràng về các hành vi dâm ô trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Một số quy định về xâm hại tình dục trẻ em chưa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Ở Việt Nam, làm cơ sở cho việc truy tố về tội danh dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi cần quy định là có hành vi đụng chạm vào phần nhạy cảm của nạn nhân nhằm thỏa mãn ham muốn thì mới có cơ sở truy tố về tội dâm ô.
Ngoài ra còn một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em mà không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa kẻ phạm tội và trẻ em. Ví dụ gạ gẫm, dụ dỗ trẻ em thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin, vẫn chưa được quy định trong BLHS và không bị trừng phạt.
Quy định về yếu tố cấu thành của một tội hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam chưa phù hợp với các chuẩn mực và điển hình tốt của quốc tế vì đòi hỏi phải có yếu tố dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Trong khi theo các chuẩn mực quốc tế thì bất cứ người nào có hành vi giao cấu với trẻ em bằng cách cưỡng bức hoặc thiếu sự đồng ý của trẻ em là đã cấu thành tội hiếp dâm.
Vụ dâm ô trẻ em trong thang máy đang gây rúng động dư luận |
Cưỡng ép hôn trẻ đã là hành vi dâm ô
“Theo tôi, việc trừng trị nghiêm khắc những kẻ xâm hại tình dục trẻ em là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi những quy định rõ ràng, cụ thể trong BLHS.
Quan trọng hơn là phải thi hành pháp luật một cách nghiêm minh, bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em nói chung cũng như xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đều được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời”, bà Loan nhấn mạnh.
Theo bà, cần sửa BLHS để hình sự hóa mọi loại hình xâm hại, bóc lột, dâm ô trẻ em, với các yếu tố cấu thành cụ thể, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các chế tài đủ nghiêm khắc.
"Việt Nam cần khẩn trương xây dựng và áp dụng một quy trình điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em, nhạy cảm về giới để tăng cường sự tin cậy và hợp tác của gia đình và trẻ em. Cần có các chương trình tập huấn về các kỹ năng điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em cho các lực lượng cảnh sát, công tố viên, thẩm phán", bà Loan nhấn mạnh.
Cần thay đổi chuẩn mực xã hội và văn hóa dung thứ, biện minh hoặc chấp nhận xâm hại: Giải quyết vấn đề xâm hại với trẻ em ở Việt Nam đòi hỏi thay đổi các tiêu chuẩn văn hóa liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có các hành vi dâm ô như vỗ vào mông, cưỡng ép hôn hay sờ vào bộ phận sinh dục của các bé trai.