Xa rồi…kem mút ơi!
Những xe kem dạo, những gánh kẹo kéo... đã biến mất dần cùng với sự đi lên của xã hội. |
Bác bán kem mồ hôi nhễ nhại nở nụ cười tươi rói:
- Cháu mua mấy que?
Lục trong túi áo có 200 đồng hồi sáng bà nội thưởng cho công nhổ tóc bạc, tôi hào hứng:
- Bác cho cháu 2 que kem đá!
Nhận từ tay bác bán hàng que kem mát lạnh, cu Minh thích thú cười tít mắt, để lộ nguyên cả một hàm răng sún. Mắt vẫn còn cay xè vì khói bếp, tôi hấp tấp đưa que kem lên miệng để thưởng thức cái vị thơm thơm, mát mát của nó. Ôi chao, giá có được mẹ mua cho bộ quần áo mới cũng không tuyệt vời bằng cái cảm giác lúc này. Hơi lạnh của kem nhẹ nhàng lan tỏa; từ lưỡi, đến răng rồi lan tỏa khắp miệng. Sợ kem mau hết, chị em tôi chỉ dám cắn một miếng bé xíu rồi để nó tự tan trong miệng. Cu Minh nhìn tôi, mắt hấp háy:
- Giá như lúc nào cũng có kem để ăn thì hay chị nhỉ. Lớn lên em muốn trở thành người bán kem, để được ăn kem suốt ngày chị ạ.
Tôi bĩu môi, ra vẻ người lớn:
- Mẹ bảo phải cố gắng học để sau này làm bác sĩ, kĩ sư; lúc ấy có tiền rồi thì mua gì chẳng được. Đi bán kem phải đi cả trưa nắng, dễ bị ốm lắm!
Nghe chị nói, cu cậu nhoẻn miệng cười, tay mân mê mãi cái que không.
***
“Kem, kem mút chúng mày ơi!”. Đang chơi ô ăn quan ở ngoài vườn, nghe tiếng thằng Tuấn reo lên, chúng tôi chạy ùa ra, háo hức. Ngày mùa, bố mẹ đi làm hết cả, mấy đứa trẻ trong ngõ ở nhà phơi rơm rồi lại tụ tập chơi ăn quan, đánh đáo. Mấy đứa cứ sàn sàn bằng tuổi, gọi nhau bằng “mày, tao” hết cả. Nghe tiếng kem, cả lũ bỏ trò chơi đấy, chạy ùa về lùng sục trong nhà, ngoài vườn có sắt vụn, nhựa hỏng, vỏ lon bia hay lông ngan, lông vịt gì không để mang ra đổi kem. Tìm mãi chẳng có gì, mấy đứa đang tiu nghỉu, buồn thiu thì Tuấn “còi” mang ra rổ lông vịt rõ to; mắt đứa nào đứa nấy sáng rực lên, sung sướng.
Nhét đống lông vịt vào bao, bác bán kem nhẩm tính rồi đưa cho chúng tôi bốn que kem bột. Sáu đứa con nít mà chỉ có bốn que, chúng tôi quay sang năn nỉ bác cho thêm, bác bán hàng lắc đầu, cương quyết “Tìm xem có cái xô hỏng hay lon bia sành nào thì bác cho thêm”. Tôi nhớ ra bà nội vẫn hay tưới rau bằng cái gáo nhựa, chẳng cần suy nghĩ, tôi chạy ngay về đưa cho bác. Thế là đủ sáu que cho sáu đứa háu ăn.
Tới chiều, bà nội chửi toáng lên vì mất cái gáo múc nước. Tôi đành đứng ra nhận tội, bị bà đánh lằn mông mà không dám khóc. Hôm sau, mấy đứa chơi đồ hàng ở góc vườn, Chiến “đen” liền tuyên bố “Khi nào lớn, tao sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền rồi mua kem cho chúng mày ăn thoải mái, ăn tới khi nào bụng thành đá thì thôi”. Cả bọn phá lên cười ngặt nghẽo. Ước mơ con trẻ chỉ giản đơn và bình dị vậy thôi!
***
Lớn lên đi học xa nhà, nghỉ hè về quê, tôi cứ mong ngóng mãi tiếng rao kem mà không thấy. Em trai tôi giờ đã học lớp 12, nhiều lúc hai chị em ngồi nói chuyện nó vẫn thường thắc mắc “Giờ chắc chẳng có kem mút nữa đâu chị nhỉ. Em vẫn còn nhớ cái cảm giác kiễng chân lên để ngó vào thùng kem, hít hà cái hơi mát mát, ngọt ngọt của kem. Giờ được ăn những chiếc kem ly, kem hộp đắt tiền em vẫn không thấy ngon bằng chiếc kem mút ngày ấy”. Nghe em nói, tôi cười buồn, chợt nhận ra rằng cuộc sống hiện đại đã làm đổi thay nhiều thứ.
Những xe kem dạo, những gánh kẹo kéo... đã biến mất dần cùng với sự đi lên của xã hội. Với những đứa trẻ vùng quê lứa tuổi như chúng tôi, hình ảnh về những que kem mút mãi mãi không bao giờ phai mờ. Cái âm thanh đặc biệt của những hàng kem dạo sẽ tồn tại như một góc nhỏ của kí ức tuổi thơ - một tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng...
Giáp Thị Hà Linh/Báo Bắc Giang