Xa lắm những trò chơi dân gian
Và khi nhắc đến những cái tên thân quen: Tạt lon, nhảy lò cò, bắn bi, “5, 10, 15, 20”… như gợi lại những kỷ niệm thuở hồn nhiên. Nhưng giờ đây, những trò chơi dân gian ấy dường như đã trở nên xa lắm, họa chăng chỉ còn trong ký ức của những người đã từng trải qua hay thỉnh thoảng mới nhìn thấy ở đâu đó trong đời sống đám trẻ vùng quê.
Trẻ em vùng quê chơi trò búng dây thun |
Xưa kia, trò chơi của những đứa trẻ vùng quê thường được tạo nên từ những vật dụng đơn giản, dễ tìm như: Một quả banh nỉ, khoảng 10 chiếc đũa và một mặt sân bằng phẳng đã có thể tạo được một nhóm chơi banh đũa rộn rã tiếng cười, vừa có thể rèn sự khéo léo của đôi tay. Hay chỉ cần nối những sợi dây thun lại với nhau thành một đoạn dây dài, sau đó “oẳn tù tì” để chọn ra 2 người thua cuộc cầm dây thun và cứ thế cả đám vừa chơi đùa, lại vừa có thể hoạt động thân thể. Còn ngày nay, hoạt động giải trí sau giờ học của các em đa phần là bên những chiếc điện thoại, Ipad, laptop… hoặc đến tiệm game. “Xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị công nghệ thông tin ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Theo xu hướng thời đại, những đứa trẻ ngày nay dường như không hề biết đến thế nào là trò chơi dân gian, thế nào là những bài đồng dao gắn liền với thời thơ ấu” - chị Thanh Nguyệt (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Chị Thu Trang (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) nhớ lại: “Hồi đó, nhảy dây, banh đũa, thảy gạch… là những trò chơi khiến bọn con gái thích thú. Còn bắn bi lại là trò chơi làm những đứa con trai mê tít vì những viên bi tròn, nhiều màu sắc va vào nhau tạo ra âm thanh vui tai. Hoặc, chỉ với một chiếc lon từ hộp sữa cũ và vài chiếc dép không quá nặng để có thể tạt đi xa, cùng vài người bạn trong xóm là có thể bắt đầu chơi trò tạt lon. Dù chơi bắn bi hay chơi tạt lon cũng đều đòi hỏi phải có khả năng nhắm chính xác các mục tiêu với những cự li dài, ngắn khác nhau. Nhưng nay, hiếm thấy tụi nhỏ chơi những trò này, những trò chơi trên internet dường như thu hút các cháu hơn”.
Thật vậy, ngày trước ở quê, đối với lũ trẻ dường như tất cả mọi thứ xung quanh đều có thể “sáng tạo” ra trò chơi. Cứ ra bờ sông lấy về một “mớ” đất sét mềm là có ngay trò chơi pháo đất, ai làm pháo nổ to người đó thắng. Hay chọi gà bằng những cọng cỏ chỉ. Để có được một “chú gà” chiến ưng ý phải đi tìm trong một thảm cỏ rộng, cũng phải mất nhiều công sức. Nhưng thường chỉ có thể tìm được một vài “chú gà” chúa (thật ra “gà chúa” chính là cọng cỏ chỉ có nốt sần to nhất). Những “chú gà” được chọi nốt sần vào nhau, nốt sần nào bị đứt rời ra thì coi như thua. Cũng có khi chỉ cần gập đôi một cành me tây lại rồi móc vào nhau và giật, cọng me tây của ai đứt thì người đó thua. Những trò chơi đơn giản vậy mà vui đáo để.
Ngoài ra, khi không có bất cứ dụng cụ bổ trợ nào lũ trẻ cũng có thể chơi được trò “5, 10, 15, 20. Để chơi trò này phải có một người đứng sát vào vách tường và bắt đầu đếm “5, 10, 15, 20...”, trong khi tất cả những người khác sẽ chọn chỗ núp an toàn cho mình. Hay, những trò chơi gắn với những bài đồng dao: Rồng rắn lên mây, tập tầm vong, bắc kim thang… hầu như những ai lớn lên từ những làng quê đều biết. Tất cả đều là những trò chơi tập thể đầy tiếng cười và đòi hỏi người chơi phải có tinh thần tập thể cao.
“Không chỉ những đứa trẻ ở thành thị, mà ngay cả những trẻ ở nông thôn ngày nay cũng ít biết được thế nào là đồng dao, cũng ít khi chơi những trò chơi dân gian mộc mạc như trước. Giờ đây, ở một số trường học, thầy cô vẫn hướng dẫn cho các em học sinh những trò chơi dân gian vào những giờ sinh hoạt vui chơi. Song, các cháu vẫn chưa thể cảm nhận được hết niềm vui vốn có như khi được trải nghiệm thật sự như chúng ta ngày trước nên cũng chẳng thiết tha” - anh Nguyễn Hữu Thái (xã Mỹ Phú, Châu Phú) bày tỏ.
Những ngày cận hè, về lại những vùng quê, khi từng cơn gió mang theo cái nóng oi ả của mùa hè tràn qua các cánh đồng, nhìn những hàng me tây trổ đầy những chùm hoa màu trắng hồng, gợi tôi nhớ nhiều hơn về thuở bé nơi làng quê, nhớ về những buổi trưa mát tụ tập nhau dưới tán cây để chơi đùa. Lại thấy tiếc cho những trò chơi dân dã chứa đựng cái hồn quê, nhưng ngày càng xa vắng.
Bài, ảnh: MỸ LINH/Báo An Giang